Quang gánh cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Xôi bắp, xôi bắp, ai xôi bắp đây!”. Tầm 2 giờ chiều, đám trẻ trong xóm lại nghe vang vang tiếng rao và những thanh âm quen thuộc của dì Hai gánh xôi bắp. Những bước chân nằng nặng, nhịp nhàng của người phụ nữ tuổi gần 60 dễ khiến người ta chạnh lòng.
Chiếc áo bà ba màu nâu đã sờn bạc và đôi dép cao su mòn vẹt ngày ngày vẫn là “người bạn” thân thiết của dì Hai. Dễ đến hơn chục năm rồi, cư dân trong xóm này đã quá thân quen với hình ảnh ấy. 
Gia đình không có gì dư dả, mấy người con của dì Hai lần lượt vào công ty, xí nghiệp làm công nhân. “Sao dì không kiếm chiếc xe máy cũ hay xe đạp chở đi bán cho đỡ mệt?”.
Dì Hai cười hiền: “Xưa tới giờ ở quê dì toàn đi xuồng ghe, đi bộ chứ đâu có biết chạy xe, ai tốt bụng cho quá giang, dì cảm ơn, con à. Mấy đứa nhỏ ở nhà hôm nào đi làm về sớm chở giùm gánh xôi cho dì qua đầu hẻm, còn không, dì túc tắc đi bộ cũng quen rồi”. Đôi quang gánh của người đàn bà tảo tần giữa chốn thị thành phồn hoa làpm tôi nhớ quay quắt hình ảnh ngày xưa của những người mẹ, người chị thương yêu. 
Những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, làng quê thuở ấy còn nghèo xơ xác. Mấy công ruộng ngoài bưng, mỗi khi vào vụ, anh em tôi thay phiên nhau học một buổi, buổi còn lại đi ruộng để đỡ đần gia đình. Từ nhổ cỏ, nhổ mạ đến gánh mạ, gánh lúa, chúng tôi đều làm được, nhưng đội quân chủ lực vẫn là mẹ và các dì, các chị lớn.
 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Những gánh mạ tươi non mơn mởn, những gánh lúa vàng trĩu hạt nặng oằn vai, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, vậy mà các mẹ, các chị cứ nhịp chân thoăn thoắt. Trời còn mờ mờ sương sớm, chưa nhìn rõ dáng người, mẹ đã quảy gánh ra đồng. Tranh thủ nhất là những đêm sáng trăng, dáng mẹ lại hối hả gánh lúa gom hết về cho mấy anh thợ đập.
Những ngày nắng chang chang, đôi gánh có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng mồ hôi thì thấm đẫm trong từng bước chân. Những đêm mưa già, bước chân mẹ như trĩu nặng hơn bởi lúa thì sũng nước, gió lạnh thổi từng cơn… Để kiếm được hạt lúa từ mấy công ruộng quanh năm nước mặn, phèn chua, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, chưa kể tính khí thất thường của thời tiết, quả thật không hề đơn giản. 
Tôi vào cấp một ở trường làng, lúc này mẹ ít quang gánh ra đồng hơn mà thay vào đó là quảy gánh ra chợ. Mấy đứa con đi học xa, mẹ phải chi tiêu hết sức tiện tặn mới mở được tiệm tạp hóa nhỏ xíu tại nhà. Vậy là đôi quang gánh lại gắn bó với mẹ ngày ngày.
Gà vừa gáy khuya cũng là lúc mẹ quảy gánh ra chợ thị trấn cách nhà 3-4 cây số, để lúc sáng rõ quay trở về trên đôi vai mẹ đã chất đầy những bó rau cải xanh mướt, những mắm, muối, cá khô, tương, cà, bánh kẹo… tất tần tật mọi thứ có thể bán được để kiếm đồng ra đồng vô.
Không thể nào quên những đêm mưa dầm, trong ánh sáng lờ mờ của cây đèn hột vịt được thiết kế đặc biệt treo trên đầu đòn gánh, mẹ bám víu từng bước chân mềm trên con đường bùn lầy trơn trợt.
Trong ký ức tôi vẫn nhớ nhất vào những ngày giáp tết, khi những chuyến ghe chở dưa hấu từ dưới rạch xa lên đậu ở bến sông, mẹ và cả nhà chúng tôi háo hức quảy gánh ra sông gánh dưa về bán tết, không khí vui như ngày hội.
Không biết có phải thương mẹ tôi tảo tần cực khổ hay bởi trời đất không phụ lòng người chịu thương chịu khó mà mùa tết nào cũng vậy, hàng ngàn trái dưa hấu được mẹ tôi bán hết rất nhanh chóng. 
Đôi quang gánh thân thương được làm từ thân cây mây mà người ta đi rừng cắt được, thân mây ngâm nước vừa mềm vừa dẻo, được cuộn lại thành đôi gánh chắc chắn vô cùng. Thường là người ta cuộn thân mây thành hình vuông để đặt vừa khớp hai cái thúng, cùng với đó là chiếc đòn gánh bằng thân tre già đã ngâm nước đến nổi vân bóng mượt.
Ngày đó, không ít đứa trẻ bọn tôi tỏ ra vô cùng thích thú mỗi khi được mẹ bỏ vào thúng gánh đi đây đi đó, rong ruổi qua khắp các thôn làng, ngõ xóm. Khi thì các mẹ gánh đám trẻ ra ruộng, kiếm bóng mát cây to thả bọn tôi ra ngồi chơi, trong khi các mẹ, các dì vừa nhổ cỏ vừa trông chừng.
Mê nhất là khi trẻ con bọn tôi được mẹ gánh đi chợ, đó là lúc tha hồ được ngắm nhìn phố xá nhộn nhịp, rồi còn được mẹ thưởng cho bao nhiêu món ngon, nào là bánh, nào những viên kẹo xanh đỏ ngọt lịm. Những tiếng cười giòn tan, nét hồ hởi trên gương mặt trẻ thơ dường như đã khiến mẹ quên đi bao nỗi nhọc nhằn, dẫu đôi vai có oằn nặng thêm một chút lo toan, một chút bộn bề. 
Mẹ đi quang gánh trên vai/ Mẹ về gánh cả tương lai con về. Câu hát ấy không biết đã có tự bao giờ, nhưng mỗi khi ngâm nga lại, lòng tôi bất chợt nghe bồi hồi. Chiếc đòn gánh kẽo kẹt trên vai mẹ, láng bóng mồ hôi bao năm cứ oằn đi theo mỗi bước chân trên con đường làng đầy đá sỏi, in dấu lên đôi vai gầy chai sạn vết thời gian. Bao năm trời, mẹ tảo tần gồng gánh suốt bốn mùa nắng mưa. 
Đã lâu lắm tôi không được thấy cảnh người ta quang gánh đi ruộng, đi chợ. Mẹ tôi giờ tuổi đã cao, không đủ sức gồng gánh nữa nhưng hình ảnh đôi quanh gánh nhịp nhàng đong đưa trên đôi vai của các mẹ, các chị vẫn luôn trong tâm trí tôi đến tận bây giờ. Nhất là khi, bất chợt một ngày nào đó bạn tình cờ bắt gặp đôi quang gánh của người phụ nữ bán xôi giữa phố thị.
Lê Minh (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.