Nhà báo Hồng Vân và "Còn mãi với Khu 5"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2017, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra đời cuốn “Còn mãi Khu 5”, tác giả là nhà báo Lê Thị Hồng Vân, phóng viên Báo Quân khu 5 đang nghỉ chờ hưu.

 

Tính đến năm 2017, Hồng Vân tròn 2 thập kỷ công tác ở Báo Quân khu 5. Không phải đến khi có chị, tờ báo mới có phóng viên viết về đất và người Khu 5 trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp bạn Lào và Cam-pu-chia; nhưng Hồng Vân là người có bề dày viết về mảng đề tài này, thể hiện một cách chân thực, hệ thống và sâu sắc. Cùng công tác ở Tòa soạn những năm qua, tôi hiểu lắm điều đã thôi thúc chị hai mươi năm bén duyên, gắn bó và thủy chung với Khu 5 bất khuất.

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, thời kháng chiến chống Mỹ, cha đi chiến đấu, mới hai tháng tuổi, Hồng Vân đã phải theo mẹ hết nhà tù này đến nhà tù khác của Mỹ-ngụy. Những cảm xúc ấy đã thôi thúc chị trước tiên viết về mẹ, về ngoại (Bóng ngoại, Tấm lưng còng của mẹ) rồi rộng hơn về những người con thủy chung, bất khuất của Khu 5 anh hùng. Khi đã gây được dấu ấn, được báo Quân khu 5, Sự kiện và nhân chứng cùng nhiều báo địa phương trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên đăng tải, những câu chuyện sinh động, công phu và hấp dẫn càng lúc càng đến với chị nhiều hơn, dày đặc hơn.

Viết về hiện tại đã khó, viết về quá khứ càng không dễ dàng vì phải ghi chép tỉ mỉ lời kể của các nhân chứng - những người phần vì tuổi cao, phần ít có thói quen ghi hồi ký, dễ nhầm lẫn sự kiện, nhân vật, mốc thời gian... Điều đó đòi hỏi người viết phải dụng công tìm đọc các sách xưa, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu thu thập được nhằm xác minh, đưa đến công chúng những thông tin tin cậy nhất. Đơn cử như bài viết Chiếc áo của má Trương, (người đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ 3 chiến sĩ Sư đoàn 2 thoát khỏi trận càn của địch) chị bị ám ảnh và phải ấp ủ, “nuôi dưỡng” đề tài suốt mười năm trời mới đủ sức “giải mã”.

Đọc những bài báo viết về Khu 5 của chị, tôi và nhiều bạn đọc dễ bị thao thức, rồi ám ảnh. Có lúc tôi đã buột miệng hỏi vui: Sao chị giỏi thế, viết về quá khứ mà hồn vía cứ như… người trong cuộc, chứng kiến, đồng hành cùng sự kiện vậy? Chị cười mà rằng, đề tài quá khứ vẻ vang, không nhập cuộc làm sao viết nổi. Quả vậy, những bái báo “Bài và ảnh: Hồng Vân” ấy đã lấy nhân chứng từ các nhân vật trọng yếu của Quân đội, Quân khu 5 đến những cán bộ, chiến sĩ, quân và dân ta, nước bạn Lào, Cam-pu-chia… đã từng sống, chiến đấu trên chiến trường Khu 5 đánh giặc. Chính điều đó đã khiến chị khá dễ dàng giành giải nhất cuộc thi tìm hiểu truyền thống 70 năm “Uống nước nhớ nguồn” do báo quân đội tổ chức; những nhân vật hiện lên trong tác phẩm của chị đều sắc nét, thắm đượm lòng yêu nước, yêu chiến sĩ, đồng bào, thắm tình đồng đội và căm thù quân giặc xâm lược sâu sắc.

Như lời bộc bạch ở phần đầu cuốn sách “Hạnh phúc nào hơn thế”, nhà báo Hồng Vân đã dốc bầu tâm sự: “Tôi không ngờ những gì mình làm lại có sức lan tỏa và được nhiều người biết đến”. Có lần, đạo diễn điện ảnh Quân đội và VTV1 đã gọi đến để làm các tác phẩm truyền hình khi đọc những bài báo in trong các tác phẩm viết về Khu 5 bất khuất của chị. Riêng với “người nhà”, các đồng đội ở Báo - Truyền hình Quân khu 5, những tác phẩm của chị đã “dọn đường” cho những ấn phẩm truyền hình phát trên chuyên mục LLVT Quân khu 5 không những được nhiều công chúng chú ý, hoan nghênh mà còn làm nên những thước phim giành huy chương vàng, bạc tại những Liên hoan truyền hình toàn quân. Thiết nghĩ, đối với một nhà báo, hạnh phúc nào hơn thế.

Tôi nâng niu cuốn sách, đã đọc nó trên báo in (bản cắt gọn) và bây giờ đọc nguyên bản các tác phẩm, vậy mà vẫn say sưa như bị “bỏ bùa”, càng đọc càng mê đất và người Khu 5. Xin được bổ sung thêm một chữ “không những” thay cho từ “nếu” trước chữ “ai” trong lời tựa cuốn sách này, để đọc lại thành câu: “Đọc các bài viết của Hồng Vân, không những ai đã từng có những năm tháng nếm mật nằm gai, cái chết và sự sống kề trong gang tấc, đều cảm nhận bài viết như của người trong cuộc”. Phải chăng “Hiểu lịch sử, hiểu thế hệ cha ông để tự nhận ra mình và có trách nhiệm với quê hương đất nước” chính là điều Hồng Vân muốn gửi đến với bạn đọc hôm nay?

Đỗ Thị Ngọc Diệp

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.