Tản bút: Gió Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gió thổi từ hướng Tây về, người dân quê tôi gọi là gió Nam. Tùy cấp độ và thời điểm gió mà gọi Nam non, Nam già. Nam non khởi đầu từ chớm hạ, lay phay vào sáng sớm, chỉ đủ cảm bằng xúc giác. Tinh mắt và tinh ý mới nhận ra: phiến lá trên cao, mặt hồ rộng, sông sâu khẽ xao gợn, sóng xô đuổi về hướng Đông. Mặt trời lên chưa quá ngọn tre thì gió ngừng hẳn. Những ngày ấy thường nắng nóng. Tận cuối chiều mới có chút Nồm lên (gió Nồm thổi từ hướng Đông, mang hơi nước từ biển nên mát mẻ, dễ chịu). Nam non là dấu hiệu để người dân vùng đồng bằng nhận biết Tây Nguyên đã có mưa rào với tần suất dày. Những gia đình có người thân sống ở Tây Nguyên mỗi khi có Nam non thường nói:- Trên đấy vào mùa mưa rồi! Nó hàm nghĩa cảm thông, chia sẻ sự khác biệt hai miền khí hậu “một bên nắng, một bên mưa” bởi đèo ngang cách trở nên nhớ, nên trông.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nam non cũng thật khác đời. Không gian không hẳn mờ, cũng không hoàn toàn rỡ sáng. Mặt trời bẽn lẽn nấp sau làn mây mỏng chưa lâu đã vội hiện ra. Gió ngừng. Mây vội kéo lên cao vài mảng nhạt, da trời xanh ngắt vút cao. Cho nên nắng cứ thế mà chiếu rọi. Nồm, Nam “chống nhau” nên trời bặt gió. Nóng thôi rồi! Ngày hè, miền Trung nắng nóng nhất vào thời điểm này.

Những ngày về cuối hạ, Tây Nguyên mưa dầm, cả gió. Miền đồng bằng nhận biết khí hậu miền ngược qua Nam già.

Nam già thổi suốt đêm ngày. Cuối đêm, rạng sáng gió càng thổi mạnh. Có lúc gió mạnh đến mức gọi là bão Nam. Những ngày Nam già cảnh vật trở nên xác xơ. Không gian ảo mờ, cả ngày không thấy nắng. Nam già khô rốc, người mỏi mệt chẳng ra nằm, cũng chẳng ra đứng ngồi, chân tay không buồn động việc. Những ngày Nam già, cánh đàn ông con trai thường cởi trần, quần xà lỏn. Đêm căng màn ngủ ngoài hè, ngoài sân cho dễ chịu. Gió thổi bụi mù bám vào da thịt mà ngại tắm gội vì uể oải, vì tuyến mồ hôi có chịu hoạt động như ngày nóng bức đâu. Nam già cũng là mùa đàn gia súc, gia cầm dịch bệnh. Giống gà chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bệnh gà rù. Lứa nào qua khỏi sẽ miễn dịch mùa sau. Chú gà nào tự khỏi bệnh sẽ để lại di chứng như người bị bại não, thành ra “gà què ăn quẩn cối xay” là thế.

Trong không gian bàng bạc những ngày Nam già, tiếng loài chim đơn độc: “Bắt cô trói cột” rã rời chậm trôi ngược gió giữa không trung chỉ còn là chấm đen cứ buông vọng. Câu chuyện cổ về sự tích loài chim cho trí tưởng non tơ thêm “sởn da gà”, cứ thu người co ro mà vểnh tai lắng nghe.

Nam già mây che khuất mặt trời nên không gian u u, buồn buồn. Gió nhiều làm cây cối chưa đợi thu về đã lao xao trút lá. Mà đâu chỉ có lá vàng. Chúng không rơi mà tao tác bay vèo. Cành cao chót vót, những tổ chim dồng dộc bị gió đánh, đưa ngang đưa dọc. Chim bố mẹ khó nhọc mới đáp cánh mớm mồi cho con. Thấy cảnh thêm buồn. Nam già ví như người già, hắt hiu nhợt nhạt. Cánh đồng lúa ngả chín vàng sóng đổ chao từng đợt, có chỗ bị đổ bẹp. Những chú bù nhìn rơm làm nhiệm vụ đuổi chim cứ nghiêng nghiêng ngả ngả, liên hồi động tay vào sợi dây chăng ngang khua động hàng lon kẽm inh tai. Nam già loài chim ăn lúa cũng khó bề, bởi cánh vừa chạm bông lúa đã bị gió tốc chao nghiêng.

Nam già mặt sông nổi sóng, thuyền câu nhất loạt neo sát bờ chỗ eo tránh gió, hay xếp hàng úp mặt lên bãi cát. Có hôm gió to, chúng rủ nhau lăn tròn tựa hồ chiếc nón lá bay. Thấy cảnh lạ, trẻ con vỗ tay reo hò:- Trông kìa, trông kìa bão cát sa mạc! Người lớn đuổi theo chúng giữ lại. Cát tung vào mặt, mắt phải nhắm nghiền, tay phủi tay che.

Mùa Nam già năm 1984, thêm lứa bạn tôi lên đường nhập ngũ đợt 2. Có bạn không về, máu xương hòa vào lòng đất mẹ.

Nguyễn Đình

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.