Rơmah Khơn - Người "giữ lửa" của làng Khóp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhắc tới ông Rơmah Khơn, người dân làng Khóp (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai) luôn dành sự kính trọng. Ông Khơn không chỉ là người đi đầu trong công tác hòa giải, góp phần đảm bảo an ninh trật tự mà còn có công giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Thật may mắn khi chúng tôi đường đột đến vào giữa trưa nhưng vẫn gặp ông Khơn ở nhà. Chỉ chậm ít phút nữa, ông đã đi hòa giải cho một hộ dân trong làng. Gặp chúng tôi, ông cười vui vẻ, tạm gác lại công việc để trò chuyện với khách. Gần 60 tuổi nhưng ông Khơn vẫn nhanh nhẹn, tháo vát. Nói được, làm được nên ông rất có uy tín với dân làng. Hễ có chuyện xích mích, người dân đều tìm đến ông nhờ hòa giải, nhờ đó chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ thành không.
Ông Khơn kể: “Mình làm Trưởng thôn từ năm 2009 đến 2016 thì nghỉ. Nhưng hiện nay làng Khóp vẫn chưa có trưởng thôn nên mình nhận lời làm tiếp. Công việc này đòi hỏi sự nhiệt tình, trách nhiệm cao. Mình thường vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; cho con em đến trường đúng độ tuổi, không bỏ học, nghỉ học; tuyên truyền phòng-chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh chung; nhắc nhở thanh-thiếu niên trong làng đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không chở 3, chở 4, không chạy quá tốc độ... Ngoài ra, khi nhà nào có xích mích thì mình đứng ra hòa giải, khuyên nhủ. Rất nhiều vụ mình khuyên giải thành công giúp gia đình hòa thuận, xóm làng yên vui”.
 Ông Khơn (bên trái) được người dân làng Khóp rất kính trọng. Ảnh: N.N
Ông Khơn (bên trái) được người dân làng Khóp rất kính trọng. Ảnh: N.N
Với ông Khơn, làng Khóp là quê hương, dân làng là anh em một nhà nên giúp được gì cho mọi người thì ông đều cố gắng. Nhiều lúc đang có việc gia đình nhưng thấy người làng đến nhờ thì ông liền tạm gác để giúp đỡ. “Làng Khóp có 233 hộ, trên 1.100 khẩu, trong đó có 3 hộ người Kinh. Đa số các vụ xích mích thường là vợ chồng cãi nhau, thanh niên gây gổ, đánh nhau hay các tệ nạn xã hội. Nhiều vụ hòa giải phức tạp, đâu phải chỉ một lần nói chuyện là xong mà có khi phải đi lại nhiều lần. Dù vậy, mình vẫn kiên trì giải quyết để mọi người vui vẻ, hòa thuận”-ông Khơn chia sẻ.
Kể về việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng, ông Khơn trầm ngâm: “Trước đây, làng có nhiều cồng chiêng nhưng rồi người lạ đến mua bán, đổi chác; nhiều nhà vì khó khăn nên không giữ được. Có thời điểm cả làng không còn bộ chiêng nào nguyên vẹn. Nghĩ buồn lắm, chiêng gắn với nhiều phong tục tập quán của làng; chuyện vui buồn gì cũng có sự hiện diện của chiêng. Đau đáu vì điều này, năm 2009, mình bàn với các con góp tiền để mua một bộ chiêng, trước là giữ gìn di sản của dân tộc, lưu giữ kỷ niệm cho con cháu, sau nữa là giúp làng xóm khi có việc cần. Mừng là các con đều đồng ý”.
Được sự hậu thuẫn của gia đình, ông Khơn dành thời gian lặn lội tìm mua một bộ chiêng hoàn chỉnh gồm 15 chiếc và 1 cái trống với giá 26,5 triệu đồng. Thời điểm ấy, đó là số tiền lớn đối với gia đình ông. Từ khi sắm được bộ chiêng, người dân có việc gì cần đến mượn ông đều gật đầu với lời dặn nhớ giữ gìn cẩn thận. Đáng quý là cả 6 người con của ông đều biết đánh cồng chiêng. Ngoài ra, ông còn dạy thanh niên trong làng, dạy học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ đánh cồng chiêng. Hiện nay, làng Khóp có 2 đội cồng chiêng nam, nữ; trong đó, đội nam có 18 người, đội nữ 21 người.
“Nhờ có ông Khơn, người dân làng Khóp nay đã nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, bảo tồn cồng chiêng. Đội cồng chiêng của làng Khóp là một trong những đội tiêu biểu của xã Ia Krêl. Ngoài tham gia các buổi giao lưu, đội cồng chiêng của làng còn tham gia các cuộc thi trong, ngoài tỉnh và đạt nhiều giải thưởng”-ông Nguyễn Hữu Hoàng, cán bộ văn hóa-xã hội xã Ia Krêl cho biết.
Làng Khóp giờ đây đã duy trì được sự ổn định về an ninh trật tự, người dân có ý thức trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc... Kết quả ấy có một phần công sức của ông Khơn. Bà Nguyễn Thị Thúy Loan-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krêl-nhận xét: “Ông Khơn luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông rất nhiệt tình trong công tác, được người dân tín nhiệm và là người rất có tâm huyết trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng”.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.