Đến Buôn Đôn xem lễ cúng sức khỏe cho voi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 11/3, nhằm tiếp tục triển khai chuỗi hoạt động lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với UBND huyện Buôn Đôn, tổ chức lễ cúng bến nước và cúng sức khỏe cho voi.
Thầy cúng "làm phép" để cầu sức khỏe cho voi
Lễ cúng sức khỏe cho voi diễn ra tại nhà sinh hoạt cộng đồng xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Các lễ vật chuẩn bị cúng sức khỏe cho voi gồm: heo hoặc gà (tùy theo điều kiện của gia chủ), rượu cần, gạo, nếp, sáp ong, chỉ sợi, vòng tay (bằng đồng)… Trong lễ cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng được mời phải là người giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của buôn làng.
Bắt đầu lễ cúng, thầy cúng đọc lời khấn, mong Giàng (trời) cho voi nhiều sức khỏe để gánh vác công việc trong buôn làng. Sau đó, từng chú voi được các nài voi điều khiển tiến lại gần chủ lễ để chủ lễ đặt đầu heo, gạo, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc cho voi luôn khỏe mạnh.
Trong quan niệm của đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên, voi là người bạn cũng là người thân trong gia đình. Bởi lẽ, voi luôn giúp đỡ, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc. Do đó, bà con rất coi trọng lễ cúng sức khỏe cho voi.
Thầy cúng chuẩn bị lễ vật để tạ ơn thần nước
Lễ cúng bến nước diễn ra tại bến nước Bay Rong (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Lễ vật cúng là: rượu cần, heo quay, gà… Tại lễ cúng, thầy cúng sẽ tiến hành nghi lễ và có lời tạ ơn với thần nước, thần suối, thần sông, hứa sẽ giữ gìn bến nước sạch sẽ, bảo vệ tốt nguồn nước. Tiếp đó, thầy cúng sẽ đọc lời khấn, cầu mong thần nước mang nước, nguồn sức sống quan trọng nhất đến cho buôn làng…
Sau khi thầy cúng đọc xong lời khấn, bà con sẽ cõng nước từ bến nước về nhà để làm nghi lễ tạ ơn, cúng tổ tiên và mời thần linh về chứng giám lễ tạ ơn thần nước.
Được biết, lễ cúng bến nước là một trong những phong tục tập quán lâu đời nhất của đồng bào Tây Nguyên. Từ xa xưa, người dân tại các buôn làng đã dùng nước ở đầu nguồn các khe suối để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Từ đó, nguồn nước được chủ bến nước và người dân coi như sự sống không thể thiếu của buôn làng.
Bà con quan niệm rằng, lễ cúng bến nước là một việc làm rất có ý nghĩa để tạ ơn thần nước đã cho gia đình và người dân trong buôn làng có được nguồn nước sạch, tạ ơn thần linh phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, không bị đau ốm bệnh tật. Thông qua lễ cúng bến nước, bà con cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho chủ bến nước và cả buôn làng sau này được tốt hơn.
Trần Nhân (Infonet)

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.