Dấu ấn văn hóa khảo cổ học trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng 3 này, tại Gia Lai sẽ diễn ra sự kiện thu hút sự chú ý của giới khảo cổ học trong nước và quốc tế, đó là hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 2 “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè 2 mặt ở châu Á”. Cùng với những công bố quan trọng tại hội thảo khoa học lần thứ nhất “Thời đại đá cũ tại Việt Nam trong bối cảnh khu vực”, hội thảo một lần nữa khẳng định dấu ấn một nền văn hóa lâu đời trên cao nguyên Gia Lai, làm thay đổi nhận định về lịch sử phát triển loài người.
Dấu ấn văn minh nhân loại
Từ năm 2014 đến nay, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ-Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) phối hợp với tỉnh Gia Lai phát hiện 23 di tích thời đại Đá cũ; trong đó đã tiến hành khai quật khảo cổ tại một số địa điểm, thu được hàng ngàn hiện vật đá và hàng trăm mảnh tectit nằm trong địa tầng nguyên vẹn. Trong hội thảo khoa học quốc tế về khảo cổ học lần thứ nhất được tổ chức tại TP. Pleiku (tháng 11-2016), các chuyên gia đã đánh giá cao hệ thống di tích Đá cũ An Khê, cho rằng đây là một trong những hệ thống di tích quý hiếm ở khu vực châu Á. Từ những kết quả nghiên cứu, phát hiện sau 5 năm khai quật cùng các cuộc hội thảo quốc tế, kết quả giám định tuổi mẫu vật, các nhà khoa học Việt-Nga đã có đủ cứ liệu khẳng định di tích khảo cổ ở An Khê thuộc sơ kỳ Đá cũ. Đặc biệt, 2 di tích thuộc kỹ nghệ An Khê là Gò Đá và Rộc Tưng 1 được xác định có niên đại cách nay khoảng 80 vạn năm. “Đây cũng chính là nguồn sử liệu xác nhận mốc khởi đầu của lịch sử Việt Nam, bổ sung thung lũng An Khê vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của nhân loại”-PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Viêt Nam) nhận định về kết quả nghiên cứu khảo cổ đạt được trong các năm qua.
  Đoàn khảo cổ khảo sát địa tầng tại di chỉ khảo cổ học An Khê. Ảnh: Nguyễn Giác
Đoàn khảo cổ khảo sát địa tầng tại di chỉ khảo cổ học An Khê. Ảnh: Nguyễn Giác
Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối-quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, những gì được phát hiện và xác thực bởi các chuyên gia khảo cổ trên khắp thế giới cho thấy con người thuở sơ khai ở An Khê đã hình thành một kỹ nghệ chế tác công cụ lao động, tạm thời gọi tên Kỹ nghệ An Khê. “Những phát hiện công cụ ghè 2 mặt ở An Khê, đặc biệt là những chiếc rìu tay tuyệt đẹp đạt đến kỹ thuật và thẩm mỹ cao, mang đặc trưng tiêu biểu rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại không chỉ bác bỏ quan điểm sai trái về sự đối lập văn hóa giữa phương Đông và phương Tây từng tồn tại lâu nay, mà còn bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới”-ông nói.
Quảng bá giá trị khảo cổ học
Nhằm khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nhà khoa học quốc tế, hướng đến việc xây dựng hồ sơ di sản lịch sử văn hóa này trong tương lai, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về khảo cổ học lần thứ 2 tại thị xã An Khê với chủ đề “Kỹ nghệ đá cũ An Khê trong bối cảnh các kỹ nghệ ghè 2 mặt ở châu Á”. Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, cho biết: “Tại hội thảo, các nhà khoa học sẽ công bố kết quả nghiên cứu trong thời gian qua về giá trị đặc biệt của hệ thống di chỉ sơ kỳ đá cũ ở An Khê. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa này trong thời gian đến”. Trước mắt, tỉnh ta đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận “Khảo cổ học Gò Đá-Rộc Tưng An Khê-Gia Lai” là di tích cấp quốc gia, tiến tới là di tích quốc gia đặc biệt.
Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối cho biết, Viện Khảo cổ học đã mời hơn 20 nhà khoa học uy tín của các nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á tham gia hội thảo lần thứ 2 và sẽ có những tham luận quan trọng. Đây cũng là cơ hội tranh thủ sự ủng hộ của các nhà khoa học quốc tế đối với di chỉ khảo cổ học đặc biệt ở thung lũng An Khê, đồng thời công bố, quảng bá các giá trị này ra thế giới. Đặc biệt, tại hội thảo sẽ có hàng ngàn hiện vật, ảnh và tài liệu liên quan đến kết quả khai quật giai đoạn 2014-2019 được trưng bày. Không chỉ thu hút sự chú ý của giới khảo cổ học thế giới, sự kiện này còn thỏa mãn sự tò mò của những người thích tìm hiểu, khám phá các nền văn minh cổ xưa của nhân loại. Đây cũng là cơ hội mở ra tương lai cho loại hình “du lịch khảo cổ” ở Gia Lai nếu được đầu tư đúng hướng.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.