Phát hiện tàn tích của nền văn minh hơn 1.500 năm tuổi tại Argentina

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khảo cổ Argentina đã phát hiện 130 cấu trúc nhà ở với nhiều vật dụng bên trong tại khu vực núi Andes, với những dấu tích của một nền văn minh cổ xưa có niên đại cách đây 1.500 năm.

 Núi Andes. (Nguồn: Reference)
Núi Andes. (Nguồn: Reference)



Các nhà khảo cổ Argentina đã phát hiện 130 cấu trúc nhà ở với nhiều vật dụng bên trong tại khu vực núi Andes ở độ cao 3.400 m so với mực nước biển, chứng minh những dấu tích của một nền văn minh cổ xưa có niên đại cách đây 1.500 năm.

Các chuyên gia thuộc Hội đồng Nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia (Conicet), Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên San Rafael và Đại học Kỹ thuật quốc gia Argentina đã thực hiện cuộc nghiên cứu và phát hiện tàn tích này.

Trong thông báo ngày 19/2, các nhà khảo cổ cho biết di tích mang tên “El Indigeno” (Người bản địa) này chỉ lộ ra khi tuyết tan trong ba tháng đầu năm tại khu vực bờ sông Barraso.

Họ đã tìm thấy hơn 130 cấu trúc nhà ở (hoặc tường đá) với niên đại 1.500 năm cùng với nhiều mảnh gốm, dụng cụ bằng đá, xương động vật, chủ yếu của loài lạc đà guanaco và đá bazan, chứng minh rằng một nền văn minh hàng nghìn năm đã từng tồn tại ở đây.

Trưởng nhóm nghiên cứu trên, tiến sỹ Gustavo Neme, cho biết từ ít nhất 1.500 năm trước, những bộ tộc cổ xưa sinh sống ở vùng biên giới hiện nay giữa Argentina và Chile đã sử dụng nơi này để trao đổi thực phẩm, đồ da và quà tặng, đồng thời chăn thả lạc đà guanaco.

Ngoài mục đích tìm kiếm các di tich, nghiên cứu cũng nhằm tìm hiểu về thời gian chiếm đóng, nền văn hóa của nhóm bộ tộc người cổ xưa tại khu vực núi Andes, cũng như hoạt động trao đổi hàng hóa và lý do các tộc người thời đó lại chuyển tới địa điểm xa xôi và khó khăn tiếp cận như vậy để sinh sống.

Trước đó, khu vực khảo cổ này đã được các nhà leo núi phát hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước, song đến nay, các nhà khoa học Argentina mới có cơ hội thực hiện thám hiểm và nghiên cứu do thiếu nguồn tài chính và điều kiện tiếp cận khó khăn.

Phương Lan (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.