Độc đáo chuông gió Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng sự tài hoa và khéo léo, người Jrai đã biến tre, nứa thành những chiếc chuông gió độc đáo. Qua thời gian, những chiếc chuông gió này được cải tiến thành nhiều kiểu dáng bắt mắt hơn và trở thành sản phẩm du lịch được nhiều du khách gần xa đặt mua.
Làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) hiện có khá nhiều người làm chuông gió, một trong số đó là già làng Ksor Ak. Chỉ cho chúng tôi xem những chiếc chuông gió treo trước sân nhà đang phát ra thanh âm trong trẻo, già Ak bảo rằng, tất cả chúng đều do già làm ra. Theo già Ak, người Jrai thường làm rẫy, chim rừng, thú hoang phá hoại mùa màng, vì thế họ mới nghĩ ra cách làm chuông gió để xua đuổi chúng. “Sau khi theo dõi và phát hiện con chim nhỏ thường hay sợ con chim lớn nên người Jrai chúng tôi đã đan những con chim bằng tre treo ngoài rẫy để dọa chim muông, thú rừng. Nhưng con chim này vô tri vô giác, không có tác dụng nên sau đó chúng tôi tiếp tục lắp thêm 3 ống tre hoặc nứa để khi có gió chúng va vào nhau tạo âm thanh. Vật dụng này sau đó gọi là chuông gió và được người dân sử dụng phổ biến”-già Ak kể.
 Anh Joan giới thiệu những chiếc chuông gió do mình làm.    Ảnh: N.H
Anh Joan giới thiệu những chiếc chuông gió do mình làm. Ảnh: N.H
Sau một thời gian sử dụng và phát hiện âm thanh phát ra từ đồ vật này khá du dương, người Jrai đã mang những chiếc chuông gió về treo ngay tại nhà. Cũng từ đó, nhiều người bắt đầu cải tiến chiếc chuông gió thành nhiều mẫu mã đẹp hơn để trang trí trước hiên nhà hoặc ngay cửa sổ. Âm thanh từ chuông gió khiến lòng người cởi mở, vui vẻ hơn. Việc treo chuông gió trong nhà luôn đem lại cho gia chủ một cảm xúc tích cực và thêm yêu cuộc sống. Không những vậy, người Jrai còn quan niệm rằng, chuông gió chính là linh hồn của gió, là sự hòa hợp giữa tre nứa và gió để tạo nên âm thanh của đất trời, cỏ cây; tạo nên sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên. “Do đó, chiếc chuông gió luôn được người Jrai trân trọng và giữ gìn cẩn thận. Hiện nay, hầu hết dân làng đều có chuông gió trang trí trong nhà”-già Ak cho biết thêm.
Anh Ksor Joan cũng là người làm chuông gió khá nổi tiếng ở làng Chuét 2. Anh biết làm chuông gió từ năm 1994 nhờ học từ già Ak và nghệ nhân Rơ Châm Tih (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Theo chia sẻ của anh, ban đầu, chuông gió có kiểu dáng rất đơn giản, bao gồm một thanh tre với 3 ống nứa. Giờ đây, chúng được làm với nhiều mẫu mã khác nhau như: chuông gió bầu, chuông gió chim, chuông gió gùi, chuông gió cá, chuông gió bay. Quá trình làm chuông gió cũng công phu hơn, đòi hỏi phải có đôi tai thính để điều chỉnh âm thanh phù hợp. “Để chuông gió cho âm thanh hay và bền, chúng tôi phải tìm những cây nứa 8-18 tháng tuổi. Nếu nứa non quá hoặc già quá sẽ nhanh hỏng và cho âm thanh không vang bằng nứa đạt chuẩn. Nứa mang từ rừng về được chia thành từng khúc dài khoảng 25-30 cm, đem luộc sôi, vớt ra phơi khô. Để đảm bảo chuông gió không bị mối mọt, cho màu đẹp và bền thì phải phơi trên giàn bếp khoảng 3 ngày”-anh Joan cho biết.
Cách tạo âm thanh là khâu khó nhất trong quá trình làm chuông gió. Trước đây, âm thanh của chuông gió chỉ là những tiếng lanh canh để xua đuổi chim rừng. Sau này, người Jrai đã nghiên cứu và chế tạo âm thanh chuông gió theo tiếng cồng chiêng gồm 5 nốt như: Loa, Lual, Tôt, Tol, Drê và Bơp. Đặc biệt, để âm thanh chuông gió vang hơn, những năm gần đây, anh Joan và những người chuyên làm chuông gió đã chế tác thêm để thanh âm chuông gió vang lên đủ 7 nốt nhạc. Bên cạnh đó, trên những chiếc chuông gió còn được trang trí các họa tiết liên quan đến thiên nhiên, cây cối, động vật. Người chế tác chuông gió còn sử dụng nhiều màu sắc khác nhau để trang trí với quan niệm mỗi sắc màu trên chuông gió mang một ý nghĩa riêng. Màu sắc được phối hợp một cách tinh tế, thanh thoát mà rắn rỏi; trong đó, màu đen tượng trưng cho đất đai, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời là 2 màu được sử dụng nhiều nhất.
Với nét độc đáo đó, ngày nay, chuông gió Jrai dần dần được nhiều người đặt mua để tặng bạn bè hoặc trang trí trong nhà. Mỗi khi có cơn gió thoảng qua, chuông lại ngân lên những thanh âm vừa mộc mạc, giản đơn nhưng cũng đầy du dương, thánh thót như tiếng vọng của núi rừng. Thanh âm ấy đi sâu vào lòng người và lan tỏa vào từng ngõ ngách của đời sống. “Tôi được bạn tặng một chiếc chuông gió cách đây hơn 1 năm và treo nó ở hiên nhà. Mỗi lần đi làm về mệt hay tâm trí không thoải mái, tôi thường ra trước hiên nhà để nghỉ ngơi. Ở đây, âm thanh trong trẻo của chuông gió phát ra rất rõ và luôn khiến tôi cảm thấy thoải mái, từ đó mọi suy nghĩ của tôi cũng trở nên tích cực hơn”-anh Trần Văn Chung (tổ 1, phường Thắng Lợi) chia sẻ.
 Nhật Hào

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.