Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất: Dấu ấn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Đak Nông từ ngày 14 đến 17-1, đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai đã để lại những ấn tượng đặc biệt. Sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo và sự chuẩn bị chu đáo của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San từ việc tuyển chọn nghệ nhân cho đến công tác tập luyện để tham gia đầy đủ các nội dung của lễ hội đã mang lại thành công cho đoàn.
Tích cực chuẩn bị
Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam là sự kiện văn hóa lớn nhằm giới thiệu, tôn vinh không gian dệt thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trong cả nước. Đây cũng là dịp để các dân tộc được giao lưu, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc, quảng bá hình ảnh của tỉnh nhà đến với bạn bè trong và ngoài nước. Ngay khi được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã lên kế hoạch chi tiết cho từng nội dung trong khuôn khổ của lễ hội. Ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc Nhà hát-cho biết: “Đến với lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần này, chúng tôi cố gắng sắp xếp cho các nghệ nhân được tham gia hầu hết các chương trình như: triển lãm thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm; trình diễn thời trang thổ cẩm; lễ hội đường phố; phục dựng lễ hội; không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam... Sau khi kế hoạch được phê duyệt, chúng tôi cắt cử cán bộ chuyên trách cùng với các nghệ nhân lên nội dung, chọn tiết mục, tập luyện và chuẩn bị tham gia chu đáo”. 
  Các nghệ nhân đoàn Gia Lai tham gia phần thi dệt thổ cẩm. Ảnh: THẾ THANH
Các nghệ nhân đoàn Gia Lai tham gia phần thi dệt thổ cẩm. Ảnh: Thế Thanh
Đội nghệ nhân làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) vinh dự được chọn là đại diện cho tỉnh tham gia các hoạt động tại lễ hội. Theo ông Nguyễn Ngọc Long, các nghệ nhân làng Chuét 2 đều là những người am hiểu văn hóa truyền thống, có quá trình thực hành thành thục và truyền dạy cho các thế hệ kế cận trong làng nên thời gian tập luyện được rút ngắn”. Khoảng thời gian hơn 1 tháng trước khi lễ hội diễn ra, không khí tại làng Chuét lúc nào cũng rộn ràng. Các nghệ nhân từ già đến trẻ tranh thủ ban ngày lên rẫy, tối về lại tập trung bàn bạc, tập luyện. Từng đường nét hoa văn, từng màu sắc của tấm thổ cẩm đều được lựa chọn tỉ mỉ. Chi tiết lễ cúng pơthi được các già làng chuẩn bị kỹ lưỡng. Vài ngày trước khi lên đường, các nghệ nhân cùng nhau làm đạo cụ. Mô hình nhà mồ, con trâu, cây nêu đều được trau chuốt sao cho giống nhất, đẹp nhất. Ông Yaih-Trưởng thôn Chuét 2-tâm sự: “Được tin tưởng chọn tham gia lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam, dân làng thấy vui và tự hào lắm, ai cũng cố gắng thật nhiều để chương trình thành công”. 
Hội tụ những nét văn hóa đặc sắc
Tham gia tại lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần này, đoàn nghệ nhân Gia Lai đã để lại nhiều ấn tượng đẹp thông qua các hoạt động. Nổi bật là sự tham gia của 2 nữ nghệ nhân là bà Yưt và bà Rah Lan Yưng trong không gian văn hóa thổ cẩm và không gian thực nghiệm thêu, dệt thổ cẩm. Đã gắn bó với khung dệt từ thuở còn bé nên đôi tay 2 nghệ nhân cứ thoăn thoắt, tự tin tạo nên từng đường nét hoa văn tinh tế, đẹp mắt. Riêng bà Rah Lan Yưng vinh dự được Ban tổ chức lễ hội công nhận là nghệ nhân xuất sắc. 
Đặc biệt, ở phần phục dựng lễ pơthi, các nghệ nhân làng Chuét 2 đã tái hiện một cách sinh động từ vật tế, bài cúng, bài chiêng, điệu xoang. Nhờ sự chỉn chu, tỉ mỉ, chuyển tải được quan điểm nhân sinh độc đáo, phần phục dựng lễ hội của đoàn nghệ nhân Gia Lai đã được Ban tổ chức trao giải A. Bên cạnh đó, các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Tây Nguyên vào hội” và hát dân ca Bahnar, Jrai cũng thu hút sự quan tâm, thích thú của khách tham quan. Rất bất ngờ khi trình diễn 2 khúc dân ca giao duyên bằng làn điệu Jrai, Bahnar và đều đạt giải cao (giải A và B) trong chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống các dân tộc thiểu số, chị Ring bày tỏ: “Được tham gia lễ hội là rất vui rồi, biết các tiết mục đạt giải mình càng vui hơn, vinh dự hơn”. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng tặng bằng khen cho đoàn nghệ nhân, diễn viên Gia Lai vì đạt thành tích xuất sắc khi tham gia lễ hội.
Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết thêm: “Khoảng thời gian chuẩn bị tham gia lễ hội cũng là lúc thực hiện sáp nhập Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch tỉnh và Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, lên kế hoạch, bố trí kinh phí hỗ trợ. Dù vậy, với quyết tâm quảng bá văn hóa, hình ảnh đặc sắc nhất của tỉnh nhà, chúng tôi cùng các nghệ nhân đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, để lại ấn tượng đẹp tại lễ hội”.  
Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.