Bồi đắp tình yêu cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng trong đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, ngành chức năng huyện Kbang, Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Gần đây nhất là mở lớp truyền dạy cồng chiêng tại làng Đak Asel, xã Sơn Lang.  
Theo ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kbang, trên địa bàn huyện có 103 đội cồng chiêng, trong đó có 7 đội ở lứa tuổi thanh thiếu nhi, 1 đội cồng chiêng nữ tại làng Leng (xã Tơ Tung) và 95 đội cồng chiêng nam. Việc tổ chức các hoạt động cồng chiêng trong những năm gần đây từng bước được chú trọng. Tuy nhiên, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng giữa các vùng trên địa bàn chưa đồng đều. Cụ thể, các xã phía Nam (Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Kông Pla, Đak Hlơ) đua nhau tổ chức trình diễn cồng chiêng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; trong khi đó tại các xã phía Bắc (Krong, Đak Rong, Kon Pne, Sơn Lang) văn hóa cồng chiêng có phần mai một. “Do đó, mới đây, huyện đã phối hợp với Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh mời các nghệ nhân về truyền dạy, nâng cao kỹ năng biểu diễn cồng chiêng cho thanh-thiếu niên làng Đak Asel, xã Sơn Lang”-ông Chi cho biết.  
  Một buổi tập luyện của đội cồng chiêng làng Đak Asel, xã Sơn Lang, huyện Kbang. Ảnh: N.M
Một buổi tập luyện của đội cồng chiêng làng Đak Asel, xã Sơn Lang, huyện Kbang. Ảnh: N.M


Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kbang: “Chúng tôi đề nghị UBND huyện, các ngành chức năng mở thêm nhiều lớp truyền dạy kỹ năng biểu diễn cồng chiêng cho thanh-thiếu niên một số xã phía Bắc của huyện, giúp lớp trẻ có thêm niềm đam mê, hứng thú với cồng chiêng”.


Là một trong 2 nghệ nhân được mời truyền dạy cách trình diễn cồng chiêng cho thanh-thiếu niên, nghệ nhân Đinh Dũng (làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng) vui vẻ chia sẻ: “Được mời về truyền dạy những kiến thức cơ bản của việc biểu diễn cồng chiêng cho thanh-thiếu niên làng Đak Asel, tôi vui lắm. Những kiến thức mà cha ông xưa truyền lại cùng kinh nghiệm tham gia trình diễn cồng chiêng tôi đều đưa ra truyền dạy cho các cháu. Tôi và nghệ nhân Đinh Prang đã hướng dẫn các cháu kiến thức cơ bản về cồng chiêng, kỹ thuật đánh chiêng, diễn tấu, phân định bè; cách cầm, nắm dùi cùng một số bài chiêng. Các cháu tuổi trẻ nên tiếp thu kiến thức rất nhanh, nếu chịu khó luyện tập có thể diễn tấu tập thể”.
Anh Đinh Văn Quý (làng Đak Asel) bộc bạch: “Được các nghệ nhân về truyền dạy kiến thức và kinh nghiệm biểu diễn cồng chiêng, thanh-thiếu niên trong làng ai cũng háo hức, hăng say luyện tập. Sau gần 2 tháng học những kiến thức cơ bản về biểu diễn, kỹ thuật đánh chiêng, kỹ năng nghe… Bây giờ chỉ cần nghe một nhịp trong bài chiêng là tôi biết ngay bài đó đánh trong nghi lễ nào. Tôi rất thích thú và ngày càng yêu văn hóa cồng chiêng của ông cha”.
Trò chuyện cùng P.V, ông Đinh Văn Lực-già làng Đak Asel-cũng phấn khởi: “Sau khi tham gia lớp học trình diễn cồng chiêng, tôi thấy kỹ năng trình diễn của các cháu hay hơn trước, thu hút đông đảo người dân đến xem. Rất mong huyện quan tâm nhiều hơn nữa để giúp người dân cũng như các cháu thanh-thiếu niên yêu thích văn hóa cồng chiêng, từ đó bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”.
 Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.