Rơ Châm Nha-"Ông già di sản"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-  Biết làm nhiều loại nhạc cụ, biết hát dân ca, đánh cồng chiêng, kể khan (hát kể sử thi), già Rơ Châm Nha-già làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Pah (Gia Lai)-được nhiều người trong làng kính mến và gọi là “ông già di sản”. Không chỉ vậy, già Nha còn làm rất tốt vai trò hòa giải những mâu thuẫn, mang lại sự bình yên cho làng Mrông Yố 1.
Người tài của làng
Đã 76 tuổi nhưng già Nha vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát, trí nhớ rất tốt. Già vẫn nhớ vanh vách những bài khan đã học được từ ông bà, cha mẹ khi còn bé. Có bài kể liên tục mấy tiếng đồng hồ vẫn chưa hết. Già Nha cho biết: “Gia đình tôi có 3 anh em (hiện 2 người đã mất). Tôi biết kể khan cũng nhờ học từ ông bà, cha mẹ. Chúng tôi lớn lên từ những làn điệu dân ca của mẹ, những đêm lễ hội bên đống lửa bập bùng nghe ông bà kể khan. Lúc buồn ngủ thì gục trên vai mẹ, sáng thức dậy vẫn còn nghe tiếng kể khan văng vẳng…”. 
Và từ đó, dân ca, sử thi, những câu chuyện dân gian của người Jrai đã đi vào tâm trí già Nha. Theo già, muốn kể được khan phải có trí nhớ tốt, có trí tưởng tượng phong phú, biết ứng phó và biến tấu, thể hiện được thần thái của từng nhân vật trong truyện. Tùy vào người kể mà câu chuyện có thể có một số chi tiết khác đi dù nội dung vẫn không đổi.
  Già Rơ Châm Nha đàn cho cháu Tứ hát. Ảnh: N.N
Già Rơ Châm Nha đàn cho cháu Tứ hát. Ảnh: N.N
Khan ngắn hay dài, già Nha đều học và nhớ rất nhanh. Nhiều buổi kể khan, người trong làng đến nghe rất đông. Già Nha vừa đàn kní vừa hát kể, phía dưới già trẻ, lớn bé im lặng, chăm chú lắng nghe những sử thi như Rok và Set, truyện Dăm Duh (truyện Chàng Duh),  Bya hang Jông (Công chúa và hoàng tử), Pơ pai hang Amông (Thỏ và Hổ), Pơ pai (Con thỏ)…
Ngày nay, khi đời sống vật chất của người dân được nâng lên, phương tiện giải trí phong phú thì những lần kể khan của già Nha cũng dần hiếm hoi. Giờ đây, chỉ vào dịp lễ hội, già Nha mới có dịp kể khan cho cả làng cùng nghe. Bà Rơ Châm HKen-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka-thông tin: Ở xã Ia Ka, ngoài già Nha hiện chỉ còn 2 người khác biết kể khan, trong số đó già Nha là người minh mẫn nhất, thuộc nhiều bài khan nhất. Không chỉ vậy, già Nha còn hát dân ca rất hay, biết chơi và chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: kní, trưng, bró, klông pút, ting ning...
Già Nha có 2 người con nhưng cả 2 lại không mặn mà với chuyện làm nhạc cụ dân tộc cũng như học kể khan. May mắn thay, một trong những đứa cháu của già là Rơ Châm Tứ (SN 2009) lại có đam mê và năng khiếu về lĩnh vực này nên được già hết lòng truyền dạy với mong muốn có người kế thừa. Dù chỉ mới 9 tuổi nhưng Tứ rất có năng khiếu, học rất nhanh, hát dân ca rất truyền cảm… Buổi tối, Tứ thường quanh quẩn bên cạnh chăm chú lắng nghe những câu chuyện ông kể, rồi ông đàn, cháu hát. Tứ nói: “Cháu rất thích nghe ông kể chuyện, hát dân ca. Cháu mong sau này lớn lên có thể học và kể khan được như ông”. 
Già làng tiêu biểu
Không chỉ nhiều tài nghệ, già Nha còn là một trong những già làng tiêu biểu được người dân tín nhiệm. Trong làng nhà ai có chuyện gì chỉ cần báo một tiếng là già lập tức có mặt. Chuyện tranh chấp dù lớn nhưng có sự can dự, khuyên giải của già cũng hóa nhỏ, đem lại sự bình yên cho làng. “Như chủ nhật vừa rồi, mình giải quyết vụ trâu vào ăn lúa và chuyện xích mích của một cặp vợ chồng trong làng. 2 vụ việc giải quyết thành công, mọi người đều vui vẻ”-già Nha hào hứng kể.
Mâu thuẫn trong làng thường là chuyện vợ chồng bất hòa, chuyện rượu chè, tranh chấp đất đai. Có nhiều bữa vừa bưng chén cơm chưa kịp ăn đã thấy người làng í ới gọi, vậy là già lại buông chén đi ngay. Già Nha cho biết: “Mình được tín nhiệm làm già làng từ năm 1997. Công việc tuy không có phụ cấp gì nhưng giúp được cho người làng là mình vui rồi. Mình thường khuyên mọi người chăm chỉ làm ăn, bớt rượu chè, chấp hành Luật Giao thông Đường bộ, không đánh nhau, không trộm cắp”.
Vì thế, người làng Mrông Yố 1 luôn dành cho già Nha sự yêu quý, kính trọng. Ông Rơ Châm Yuih-một người dân-cho biết: “Ông Nha giải quyết mọi chuyện có tình có lý, có uy tín với bà con. Có lần nhà mình cũng có xích mích do tranh chấp địa giới đất đai, nhờ có ông Nha giúp thì mới yên chuyện”.
Với những thành tích đạt được, già Nha đã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2016 và được UBND xã Ia Ka tặng nhiều giấy khen.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.