Quan tâm dịch vụ bảo tàng cá nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bảo tàng là nơi trưng bày và lưu giữ hiện vật, tài liệu cổ liên quan đến một hay nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc. Trên thế giới có nhiều bảo tàng nổi tiếng như: Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Prado (Tây Ban Nha), Bảo tàng Vatican (Ý)… Ở Việt Nam cũng có nhiều bảo tàng như: Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng… Đến nay, mọi người dân đều không xa lạ gì với bảo tàng bởi hầu như tỉnh nào cũng có, phần nhiều là bảo tàng tổng hợp.
Những sản vật đồ gốm 2000 - 3000 năm được cất cẩn thận tại một bảo tàng cá nhân (ảnh nguồn: petrotimes)
Những sản vật đồ gốm 2000 - 3000 năm được cất cẩn thận tại một bảo tàng cá nhân (ảnh nguồn: petrotimes)
Các bảo tàng nêu trên đều do Nhà nước hoặc các tổ chức trực thuộc Chính phủ, chính quyền các tỉnh, thành quản lý. Tuy nhiên, trong những năm qua, xu hướng mở bảo tàng cá nhân được nhiều người quan tâm xây dựng nhằm lưu giữ những bộ sưu tập và các đồ tạo tác. Bảo tàng Cội Nguồn ở thị trấn Dương Đông (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) là một trong các bảo tàng cá nhân khá nổi tiếng mà tôi đã có dịp đến tham quan vào năm 2015. Bảo tàng thuộc sở hữu của ông Huỳnh Phước Huệ, gồm 5 tầng với tổng diện tích hơn 1.200 m2. Mỗi tầng trưng bày và bài trí theo một chuyên đề riêng với tổng cộng hơn 2.600 hiện vật, chủ yếu là các cổ vật như: gỗ hóa thạch, đá, đồng, gốm và các tác phẩm nghệ thuật chế tác từ gỗ lũa, công cụ ngành nghề truyền thống địa phương, đồ dùng sinh hoạt gia đình nông thôn qua các thời kỳ… Đặc biệt, bộ sưu tập đồ đá và đồ đồng trưng bày tại đây có niên đại hàng ngàn năm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam qua các thời đại cho thấy chủ nhân đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để sưu tầm. Nhiều thông tin ngắn gọn được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh ở tầng trưng bày cung cấp thêm cho khách tham quan những kiến thức ở tầng sâu về lịch sử hình thành và phát triển của huyện đảo Phú Quốc. Giá vé tham quan chỉ 20 ngàn đồng/người nhưng qua đó bảo tàng đã giúp du khách đến từ mọi miền có cái nhìn rõ hơn, gần gũi hơn về Đảo Ngọc.
Nếu như Bảo tàng Cội Nguồn chuyên sâu về vùng biển thì một bảo tàng cá nhân khác lại có xu hướng lưu giữ những sản vật thuộc vùng văn hóa nông thôn mà tôi cũng đã có dịp đến tham quan là Bảo tàng Đồng Quê (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) do nhà giáo Ngô Thị Khiếu cùng chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền lập nên. Trên diện tích hơn nửa héc ta, bảo tàng gồm 4 tầng, mỗi tầng tái hiện hình ảnh sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc bộ gồm: nhà ở, công cụ lao động, dụng cụ và các bước sản xuất của các làng nghề như dệt chiếu cói, đan rổ, rá, nơm, làm rượu thủ công… Ngoài ra, trong khu vực bảo tàng còn thiết lập nơi thờ Hồ Chủ tịch, ruộng nước, rớ, vó kéo cá… Khách đến tham quan bảo tàng không chỉ tìm hiểu được đời sống của người dân Bắc bộ xưa kia mà còn cảm nhận được hơi thở, không khí lao động ở một vùng quê chiêm trũng…
Ở Pleiku, thời gian gần đây cũng có người thành lập “bảo tàng mi ni” tại nhà như anh Năm Dũng ở đường Nguyễn Viết Xuân và một vài cá nhân khác trong tỉnh lưu giữ những đồ vật họ từng ưa thích như: bật lửa, máy cát sét, đồ gia dụng… Thế nhưng, xuất phát từ lòng đam mê và chưa có thời gian sưu tầm nên các “bảo tàng mi ni” này chỉ mới ở dạng giới thiệu hiện vật sưu tập được, số lượng không nhiều và việc sắp đặt, trưng bày chưa hoàn thiện, hệ thống, khoa học. Các phòng trưng bày này hoàn toàn tự phát và chủ nhân cũng không làm dịch vụ, chủ yếu chỉ giới thiệu để mọi người cùng xem.
Hoạt động của hệ thống bảo tàng quốc gia và bảo tàng cá nhân ở các địa phương đã làm tốt chức năng của mình, đó là giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những di sản văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… của đất nước qua các thời kỳ. Tuy nhiên cho đến nay, một số bảo tàng tư nhân vẫn chưa quan tâm đến việc làm dịch vụ để lưu giữ du khách lâu hơn, qua đó tăng nguồn thu để có điều kiện tài chính phục vụ cho việc sưu tầm, mua và bảo quản hiện vật. Nên chăng cần có sự đầu tư cải thiện môi trường và thường xuyên tập huấn cho những người làm bảo tàng tư nhân cách bố trí, sắp xếp hiện vật, công tác giới thiệu của hướng dẫn viên để các đơn vị này tổ chức và điều hành tốt dịch vụ bổ trợ nhằm giúp du khách có điều kiện giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, thư giãn, giải trí, mua sắm hàng lưu niệm… kể cả tổ chức hoạt động lễ hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật phù hợp với đặc điểm của từng bảo tàng, qua đó góp phần quảng bá tốt hơn nữa hình ảnh của địa phương.
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.