Vị Vua khai sáng Thiền Trúc Lâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong lịch sử dân tộc Việt Nam và truyền thống hơn 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam, thời đại Lý-Trần là giai đoạn rực rỡ với nhiều vị vua đã lãnh đạo toàn dân giành những chiến công vang dội chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Trong đó,  vua Trần Nhân Tông đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong bề dày lịch sử Phật giáo và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, thời đại Lý-Trần nói riêng.
Đức Vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh năm 1258, là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Năm 1274, Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và cùng năm Ngài kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc đại lão thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh để dạy cho Ngài. Chính  vua cha cũng đã soạn Di hậu lục để dạy dỗ cho Thái tử cách xử thế, chuẩn bị nối nghiệp sau này. Về Phật pháp, Ngài học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ và được ông hết lòng hướng dẫn và có những nhận thức về Thiền tông. Ngài thường đến  chùa Tư Phúc trong kinh thành để tụng kinh, toạ thiền, lễ bái Tam bảo Phật. Năm 1279, Ngài được vua Trần Thánh Tông truyền ngôi, lấy đức trị vì dân chúng an cư lạc nghiệp, lấy niên hiệu là “Thiệu Bảo”.
Lễ khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm tại Gia Lai. Ảnh: Thanh Nhật
Lễ khởi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm tại Gia Lai. Ảnh: Thanh Nhật
Trước thảm họa quân Nguyên-Mông chuẩn bị xâm lược nước ta, Ngài hai lần chủ trì hội nghị nhằm tập hợp, huy động sức mạnh toàn dân bảo vệ  Tổ quốc. Ông   là   anh hùng của dân tộc, hai lần lãnh đạo nhân dân ta đánh thắng giặc Mông-Nguyên, trị quốc an dân. Lần đầu vào năm 1285 khi đánh bại đại binh của nhà Nguyên, đuổi thái tử Thoát Hoan chui vào ống đồng trốn về nước, chém đầu nguyên soái Toa Đô, giết Lý Hằng và tùy tướng Lý Quán tại trận. Lần thứ hai vào năm 1288 ở sông Bạch Đằng, quân ta đóng cọc nhọn phủ cỏ lên trên, dụ thuyền giặc đến theo nước thuỷ triều, rồi   tung quân đánh lớn, khiến quân xâm lược Nguyên bị chết đuối nhiều không kể xiết, thu 400 thuyền và bắt sống nhiều tướng lĩnh, binh lính của giặc.
Tiến sĩ, Hòa Thượng Thích Tâm Tường-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Gia Lai-một nhà nghiên cứu có khá nhiều công trình viết về Phật giáo đời Trần-cho biết: “Với bản chất là vị  vua nhân từ, sau khi thắng giặc, Đức  vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ra lệnh đại xá thiên hạ, miễn thuế hoàn toàn   cho những nơi bị giặc đốt phá. Ngài nổi bật vai trò một nguyên thủ, một chính khách ngoại giao tài ba, có lập trường cứng rắn trong việc bảo vệ đến cùng độc lập tự do của dân tộc, nhưng luôn mềm dẻo và vô cùng nhạy bén, linh hoạt trong quan hệ ngoại giao, hạn chế tối đa những mối nguy hại cho đất nước. Chính sự cương quyết nhưng mềm dẻo của vua Trần Nhân Tông đã góp phần đánh bại âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà Nguyên, dập tắt luôn ý đồ phục hận  . Khi đất nước thanh bình, Ngài lo  củng cố triều đình, đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển đất nước trong thời hậu chiến...”.
Đồng bào Phật Giáo dự lễ kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Ảnh: Thanh Nhật
Đồng bào Phật Giáo dự lễ kỷ niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Ảnh: Thanh Nhật
Vua Trần Nhân Tông cũng là một thiền sư đắc đạo và là sơ tổ lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử độc đáo của  nước ta. Năm 41 tuổi (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1299, Ngài quyết tâm trở lại thăm  kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” ,  độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa. Năm 1304, Ngài chống gậy trúc đi dạo   khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ giới, tu hành thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng chánh pháp, loại bỏ mê tín dị đoan…
Ngài còn đến Quảng Bình lập  am Tri Kiến và lưu lại đây một thời gian. Sau đó, được  vua Trần Anh Tông thỉnh vào nội cung để truyền giới Bồ tát cho bá quan văn võ, quần thần. Năm 1307, Ngài truyền y bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ Tổ Trúc Lâm. Thời gian ấy, Ngài thường lui tới   nhiều chùa để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các lễ hội. Đồng thời, Ngài tập trung biên soạn  kinh sách, để lại cho hậu thế nhiều tài liệu vô cùng quý báu như: Trần Nhân Tôn thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Trung hưng Thực Lục… Ngài nhập diệt ngày 1-11 năm Mậu Thân (1308), thọ thế 51 năm tại Đông Triều – Quảng Ninh. Vua Trần Anh Tông cung thỉnh nhục thân Ngài về kinh đô Thăng Long cử hành Quốc tang trong thời gian hai tuần. Xá lợi của Ngài  được chia một phần xây tháp thờ ở Lăng Quý Đức (Thái Bình) và một phần xây tháp tôn thờ tại chùa Vân Yên (Yên Tử-Quảng Ninh) lấy hiệu là Huệ Quang Kim Tháp...
Giới thiệu sách của Tiến sỹ, Hoà Thượng Thích Tâm Tường về Phật giáo đời Trần. Ảnh: Thanh Nhật
Giới thiệu sách của Tiến sỹ, Hoà Thượng Thích Tâm Tường về Phật giáo đời Trần. Ảnh: Thanh Nhật
Khẳng định vai trò của Đức  vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông trong dòng chảy lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh trao đổi thêm: “Dù là Thiền sư hay vua của đất nước, Đức  vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là bậc siêu thoát, ung dung tự tại, đem ánh sáng đạo Phật hoà vào cuộc đời và thể hiện tinh thần nhập thế, tạo nên nét đặc trưng con người Đại Việt trong thời đại Lý-Trần, trong trang sử vẻ vang của dân tộc. Để tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Ngài, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc tổ chức Lễ tưởng niệm ngày Đức  vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, ngày 1-11 âm lịch hàng năm”.
Thượng tọa Thích Từ Vân còn luận giải : Nghị quyết này đã nhấn mạnh ba điều trong cuộc đời Phật hoàng được mãi mãi tôn vinh. Trước hết, Ngài là một hoàng đế anh hùng của dân tộc, dưới triều đại của Ngài, hai hội nghị vang dội lịch sử là Hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than mở ra vì mục đích cứu nước. Ngài lãnh đạo quân dân, tướng sĩ đánh tan giặc Nguyên - Mông hai lần.  Thứ hai, Ngài là nhà văn hóa lớn của đất nước đã chú trọng cải tiến chế độ thi cử, phát triển thơ văn chữ Nôm, chỉ đạo biên soạn các bộ sách quan trọng, cùng những hoạt động trí thức khác, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của nền văn hóa Đại Việt… Thứ ba, Ngài chính là ông tổ Thiền tông đầu tiên người Việt Nam, lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử và là phái thiền duy nhất đến nay có Sơ tổ là Hoàng đế Việt Nam. Cống hiến của Đức Vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp đã được nhân dân và tăng ni, phật tử cả nước tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.
                                                                                                                                          Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.