An Khê: Phát triển du lịch gắn với di tích khảo cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần đây, những phát hiện về khảo cổ tại An Khê đã gắn tên tuổi vùng đất này lên bản đồ khảo cổ thế giới về sự tiến hóa của loài người. Những phát hiện ấy cũng đã biến An Khê nói riêng, Gia Lai nói chung thành nguồn tài nguyên du lịch. Hiện các cấp chính quyền tỉnh và thị xã An Khê đang triển khai nhiều biện pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các di tích khảo cổ.
Phát hiện nhiều di vật quý
Những dấu hiệu cho thấy thung lũng An Khê từng là địa bàn sinh sống của người tiền sử được phát lộ tại Gò Đá (phường An Bình, thị xã An Khê) từ năm 2014. Tại đây, nhà khảo cổ học Phan Thanh Toàn đã phát hiện di vật đầu tiên là một chiếc rìu tay. Từ phát hiện mang tính lịch sử này, 2 nhà khảo cổ học hàng đầu của Việt Nam là TS. Nguyễn Khắc Sử và TS. Nguyễn Gia Đối đã tức tốc đến An Khê chứng thực sự tồn tại của người tiền sử. Tiếp đó, Viện Khảo cổ học Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) đã ký kết chương trình hợp tác trong 5 năm (2015-2019) về tổ chức khai quật, nghiên cứu khảo cổ tại Gò Đá và Rộc Tưng (xã Xuân An, thị xã An Khê). 
Các di vật liên tục được tìm thấy đã dần vén bức màn về sự tồn tại của một nhóm cộng đồng dân cư cổ cách đây khoảng gần 1 triệu năm, nơi dòng sông Ba cắt ngang qua thung lũng An Khê. Theo PGS-TS. Nguyễn Giang Hải (Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam), phát hiện khảo cổ tại An Khê không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi một quốc gia, mà đó còn là niềm tự hào của cả Đông Nam Á. Phát hiện chấn động này là tiền đề để chứng minh gần 1 triệu năm về trước, loài người đã có mặt ở vùng Đông Nam Á, trên lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để bác bỏ một số quan niệm của học giả phương Tây trước đây cho rằng phương Tây mới có rìu tay, còn phương Đông chỉ có rìu đá thô.
  Nhiều hiện vật quý thu được trong quá trình khảo cổ tại An Khê.    Ảnh: Trần Hiếu
Nhiều hiện vật quý thu được trong quá trình khảo cổ tại An Khê. Ảnh: Trần Hiếu
Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, từ năm 2014 đến nay, các đoàn chuyên gia khảo cổ của 2 nước Việt-Nga đã phát hiện tại thung lũng An Khê hơn 20 di tích sơ kỳ Đá cũ. Tổng cộng đã có 7.500 di vật phát lộ qua các cuộc khai quật.
Những tư liệu khai quật trong năm 2018 bước đầu xác nhận thung lũng An Khê tồn tại loại hình di tích cư trú ở Rộc Tưng 1; gia công và chế tác công cụ ở Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7. “Có thể ở Rộc Tưng 1, người nguyên thủy đã biết cải tạo ít nhiều mặt bằng nơi dựng lều trại, sử dụng đá tự nhiên tôn nền, chống lầy lội mùa mưa. Hiện các đoàn khảo cổ đang tạm nghỉ. Theo kế hoạch, đến tháng 3-2019, các đoàn khảo cổ Việt-Nga sẽ quay lại An Khê để tiếp tục khai quật các di tích”-ông Dương Thanh Hà, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, cho biết.
Phát triển du lịch gắn với khảo cổ
Là vùng đất cửa ngõ phía Đông của tỉnh, An Khê là cái nôi của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn gắn liền với tên tuổi người Anh hùng Nguyễn Huệ. Những dấu ấn về cuộc khởi nghĩa còn lưu tại vùng đất này với các cụm di tích: An Khê trường, An Khê đình, Gò Chợ, Miếu Xà, Cây Ké, Cây Cầy, Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tảo, Gò Kho, Xóm Ké đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Lịch sử-Văn hóa quốc gia năm 1991. Cộng với những phát hiện khảo cổ nêu trên, An Khê trở thành vùng đất đầy tiềm năng để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. 
Những năm gần đây, các di tích lịch sử, di tích khảo cổ tại An Khê đã thu hút hàng ngàn lượt du khách tham quan, tìm hiểu. Dù vậy, trên thực tế, việc phát triển du lịch của thị xã An Khê còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê, một trong những nguyên nhân chính là do kinh phí đầu tư cho các cụm di tích quá ít, thậm chí một số di tích không được trùng tu.
Hiện các cấp chính quyền thị xã An Khê đang nỗ lực phát huy tiềm năng của vùng đất nhằm phát triển du lịch. Bên cạnh việc quy hoạch, đầu tư kinh phí tôn tạo các cụm di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, thị xã còn xây dựng phương án quy hoạch, đầu tư kinh phí xây dựng công trình tại các di tích khảo cổ học thời đại Đá cũ để thu hút du khách. Thị ủy, UBND thị xã An Khê đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật khảo cổ học tại Rộc Tưng, Gò Đá với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về khảo cổ học. Hội nghị cũng là dịp để quảng bá vùng đất, hình ảnh con người An Khê.
Song song với đó, UBND thị xã An Khê đã đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng bảo tàng ngoài trời và hàng rào bao quanh di tích Rộc Tưng 1; đồng thời đang xây dựng thêm nhà bảo vệ tại di tích Rộc Tưng 4 với kinh phí khoảng 826 triệu đồng. Ngoài ra, chính quyền thị xã còn phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải hàng chục bài viết, phóng sự, phim tài liệu, phát 10.000 tờ rơi quảng bá về khảo cổ học ở An Khê. “Thực hiện kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2018-2020, thị xã sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá đến du khách thập phương về khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, các lễ hội truyền thống và di tích khảo cổ học về sơ kỳ đồ đá trên địa bàn thị xã; phối hợp với các công ty lữ hành mở tour tham quan Di tích Lịch sử Tây Sơn Thượng đạo và các di tích khảo cổ. Ngoài ra, UBND thị xã sẽ đầu tư kinh phí và huy động xã hội hóa để xây dựng Khu du lịch Công viên Bảo tàng Đá cũ An Khê tại xã Xuân An, qua đó kết hợp du lịch nghiên cứu khảo cổ với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã cho biết thêm.
Mới đây, trong buổi làm việc với Thường trực Thị ủy An Khê cùng Bí thư, Chủ tịch UBND 3 huyện Đak Pơ, Kông Chro và Kbang về việc phát triển du lịch vùng Tây Sơn Thượng đạo, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo: Ủy ban nhân dân thị xã An Khê tích cực triển khai các hoạt động phát triển du lịch gắn liền với các di tích lịch sử, di tích khảo cổ trên địa bàn; tổ chức hội thảo khoa học quốc tế lần 2 về thời đại Đá cũ và tham mưu cho tỉnh trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo và các di tích khảo cổ ở An Khê. 
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.