An Khê: Gìn giữ và phát triển võ cổ truyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là vùng đất được anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi rèn binh, luyện võ, An Khê sớm quy tụ hàng ngàn võ sư, võ sinh với những tinh hoa võ thuật đã được nhiều thế hệ kế thừa, lưu truyền cho đến ngày nay. Để gìn giữ, phát huy vốn quý đó, thời gian qua, thị xã An Khê đã đưa môn võ cổ truyền vào giảng dạy trong một số trường học, thành lập các câu lạc bộ (CLB), chi hội nhằm thúc đẩy phong trào học võ.
Gìn giữ tinh hoa
Theo ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê, từ khi nhà Tây Sơn đặt chân lên vùng đất An Khê-Tây Sơn Thượng đạo chiêu binh, dựng nghiệp, môn võ cổ truyền đã xuất hiện ở đây. Qua các thế hệ, nhiều võ phái đã hình thành và lưu truyền căn bản những tinh hoa quyền thuật, binh khí trong võ nghệ của riêng mình. “Ngày nay, hậu duệ, môn sinh của các dòng võ cổ truyền đã kế thừa, phát huy và làm rạng danh cho nền võ học An Khê như: Đoàn Thọ Sơn, Cao Đăng Khoa, Lương Văn Hùng, Thái Văn Nhân, Thái Văn Quang… Ngoài ra, các huấn luyện viên, lão võ sư đã có nhiều đóng góp cho phong trào luyện tập võ cổ truyền trên địa bàn thị xã; đào tạo một số vận động viên chuyên nghiệp cho đội tuyển võ cổ truyền của tỉnh nhà tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc. Họ cũng chính là những người gìn giữ và lưu truyền một số bài võ mang đặc trưng của môn võ cổ truyền như: Bạch Long Quyền, Song Long Phủ, Thiết Linh Chùy, Độc Phủ…”-ông Hà cho hay.
   Biểu diễn võ cổ truyền trong ngày lễ lớn.     Ảnh: N.M
Biểu diễn võ cổ truyền trong ngày lễ lớn. Ảnh: N.M
Sơ lược về phong trào tập luyện môn võ cổ truyền trên địa bàn thị xã An Khê, chuẩn võ sư Thái Văn Nhân-Chi hội trưởng chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo nói: Năm 1993, cố võ sư Đoàn Thọ Sơn mở lớp chiêu sinh và trực tiếp giảng dạy cho 20 môn sinh. Hơn 10 năm sau, môn võ cổ truyền phát triển lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, một số võ sinh trở thành vận động viên chuyên nghiệp tham gia thi đấu cho đội tuyển tỉnh, đều đạt thành tích cao. Đặc biệt, năm 2001, cố võ sư Đoàn Thọ Sơn đã giới thiệu bài quyền Độc Lư Thương cho Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và được công nhận là một trong 10 bài quy định của Liên đoàn khi đưa vào tập luyện. “Đây là dấu mốc quan trọng của nền võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai nói chung và thị xã An Khê nói riêng”-chuẩn võ sư Thái Văn Nhân tự hào nói.
Đa dạng loại hình truyền võ
Hiện nay, chủ trương đưa môn võ cổ truyền vào giảng dạy tại các trường học đã và đang được ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê tích cực triển khai. Thầy Nguyễn Duy Hưng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã-cho biết: Khi có chủ trương đưa môn võ cổ truyền vào giảng dạy tại trường học, ngành đã tổ chức tập huấn cho gần 20 giáo viên thể dục, huấn luyện viên các trường tiểu học và THCS trên địa bàn, đồng thời tổng hợp một số tài liệu để giáo viên về nghiên cứu giảng dạy trong tiết thể dục. Dựa vào độ tuổi, số lượng học sinh, cấp học mà huấn luyện viên triển khai các bài tập cho phù hợp.
Võ sinh Câu lạc bộ Võ cổ truyền Trường THCS Đề Thám (thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh
Võ sinh Câu lạc bộ Võ cổ truyền Trường THCS Đề Thám (thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minh

Ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê: “Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục sưu tầm, bổ sung những bài võ mang đặc trưng riêng của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Vừa qua, thị xã cũng đã thành lập chi hội Võ thuật cổ truyền An Khê-Tây Sơn Thượng đạo nhằm kế thừa và phát huy những kết quả đạt được; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quần chúng nhân dân tham gia luyện tập, thi đấu võ thuật cổ truyền; dần dần đưa môn võ cổ truyền vào giảng dạy nhiều hơn tại các trường học”.

Trước mắt, ngành đề cao võ đạo, dạy các em biết thương yêu đùm bọc, đoàn kết, không cậy mạnh ức hiếp yếu... rồi mới dạy những bài tập mang tính tự vệ. Học võ cổ truyền không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, tinh thần, rèn luyện tính kỷ luật, tăng khả năng tập trung, khả năng giao tiếp mà còn giúp các em học sinh học được tinh thần thượng võ, lòng tự tôn, tự hào về truyền thống cha ông. “Hiện đã có 2 trường THCS là Đề Thám và Nguyễn Viết Xuân thành lập được CLB võ cổ truyền. 2 CLB này đã đào tạo ra nhiều võ sinh; sau một thời gian nâng đai, nâng cấp, các võ sinh này có thể trợ giảng cho huấn luyện viên kiểm tra các bài tập cơ bản cho học sinh trong và ngoài nhà trường”-thầy Hưng chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Thanh An-Chủ tịch UBND xã Song An-cho hay: Xã vừa ra quyết định thành lập 4 CLB võ thuật, trong đó có 2 câu lạc bộ võ thuật cổ truyền, đồng thời tạo mọi điều kiện về sân chơi, bãi tập để các võ sư, huấn luyện viên mở lớp chiêu sinh. Đến nay, đã có gần 100 môn sinh là học sinh thuộc các trường tiểu học và THCS trên địa bàn xã tham gia luyện tập tại 2 CLB võ thuật cổ truyền. “Qua đây không chỉ thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của xã ngày càng lớn mạnh mà còn giúp hoàn thành một trong 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà xã Song An phấn đấu hoàn thành trong năm 2018”-Chủ tịch UBND xã Song An phấn khởi nói.
Theo thống kê, trên địa bàn thị xã An Khê hiện có 8 CLB võ cổ truyền với gần 400 võ sinh tham gia luyện tập, thi đấu. Từ năm 2008 đến nay, thị xã An Khê đều đăng ký tham gia thi đấu môn võ cổ truyền tại các giải do tỉnh tổ chức và đã đạt 60 huy chương vàng, 75 huy chương bạc và 52 huy chương đồng. “Ngoài ra, nhiều võ sinh tham gia thi đấu các giải khu vực, quốc gia và các giải đấu lớn khác đều đạt thành tích cao. Đây là động lực thúc đẩy phong trào luyện tập võ cổ truyền trên địa bàn thị xã ngày càng phát triển”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê nhấn mạnh.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.