Người đam mê nhạc cụ dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng tình yêu với âm nhạc, anh Rơ Châm Khánh (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) luôn say sưa tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều loại nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên.
Từ nhạc cụ truyền thống
Tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ (hệ Trung cấp, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội), anh Rơ Châm Khánh có thể sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ hiện đại. Thế nhưng như mạch nước ngầm, tình yêu với trưng, klong put, đinh goong, đinh pơng… trỗi dậy, thôi thúc anh tìm tòi để chế tác những nhạc cụ truyền thống và sáng tạo thêm nhạc cụ mới. Giờ đây, anh Khánh đã có riêng một khu xưởng chế tác nhằm phục vụ nhu cầu biểu diễn và bán cho du khách gần xa.
 Anh Rơ Châm Khánh tự tìm tòi và chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc.  Ảnh: P.L
Anh Rơ Châm Khánh tự tìm tòi và chế tác nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Ảnh: P.L
Xưởng chế tác nhạc cụ của anh Khánh là tầng hầm của ngôi nhà xây thông ra khu vườn rộng rãi, nơi anh dùng để phơi nứa, mây, tre sau khi lấy trên rừng về. Xưởng rộng chừng 50 m2, chất đầy những ống tre, nứa được lựa chọn kỹ càng, phơi khô, cắt theo từng đoạn dài ngắn khác nhau. Ngoài ra còn có các loại máy móc hỗ trợ như máy cắt, hàn, khoan… Anh Khánh chia sẻ: “Từ lâu, mình đã muốn có một xưởng chế tác nhạc cụ. Năm 2014 thì bắt đầu gầy dựng. Có những lúc tưởng không thể làm được do công việc quá nhiều, làm nhạc cụ lại đòi hỏi nhiều thời gian, tỉ mỉ. Nghĩ thế thôi chứ không thể nào bỏ được vì trót đam mê rồi”.
Từ ngày có xưởng, mỗi ngày anh Khánh dành ít nhất 2 tiếng đồng hồ để nghiên cứu, chế tác các loại nhạc cụ. Có những ngày, anh ở lì trong xưởng từ chiều tối cho đến tận đêm muộn. Từ khu xưởng này, hàng chục chiếc đàn trưng, klong put, đinh pơng, sáo… ra đời. Ngoài ra, anh Khánh còn làm cả những chiếc chuông gió, chuồn chuồn tre cân bằng, cối xay nước trang trí hay cả những mô hình nhà rông… từ tre nứa.  
Đến những thể nghiệm mới
Chúng tôi đến khi anh Khánh vừa kết thúc chuyến đi rừng tìm kiếm tre, nứa để làm nhạc cụ. Anh kể: “Theo quan niệm của người Jrai, tre, nứa phải chặt vào các ngày 29, 30 Âm lịch (ngày không có trăng lên) thì khi làm đàn mới cho âm thanh chuẩn. Không được chọn cây bị gãy ngọn”. Tre, nứa là nguyên liệu làm nên những nhạc cụ dân tộc truyền thống nhưng hiện giờ cũng không dễ tìm. Phải mất gần cả tháng ăn ngủ trong rừng mới tìm đủ số lượng. Đây là lý do anh Khánh tự mày mò, thử nghiệm làm nhạc cụ dân tộc trên chất liệu khác.

Ông Nguyễn Quốc Anh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Đức Cơ: “Anh Rơ Châm Khánh rất đam mê, tự mày mò chế tác nhiều nhạc cụ dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nhạc cụ truyền thống. Các loại nhạc cụ do anh Khánh chế tác không chỉ để tham gia biểu diễn trong các lễ hội, hội thi, hội diễn ở địa phương mà còn được nhiều người biết đến. Đặc biệt, việc anh Khánh chế tác nhạc cụ truyền thống trên các chất liệu khác ngoài tre, nứa là điều không phải ai cũng làm được”.

Đàn bình gas và đàn đá là một trong những nhạc cụ mà anh Khánh đã chế tạo thành công. Dựa trên những nốt chính của âm nhạc truyền thống Jrai, anh đã vận dụng đưa vào trong từng viên đá, từng đường cắt to, nhỏ trên vỏ bình gas. Nếu như tre nứa cho âm thanh ấm thì đá và bình gas lại cho âm thanh trong trẻo, thanh và vọng hơn. Để làm được những chiếc đàn ấy, anh Khánh mất hàng tháng trời tìm hiểu, mày mò, nghiên cứu kỹ thuật tạo và chỉnh âm. Cuối cùng anh đã thành công sau nhiều lần thất bại. Chỉ tay vào những chiếc bình gas lớn đang đặt ở ngay lối đi của xưởng, anh Khánh kể: “Thời gian tới, mình sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm đàn bằng bình gas lớn hơn hoặc bằng các nguyên liệu như nhíp ô tô, các ống sắt, thủy tinh… Mình sẽ cố gắng tận dụng mọi loại chất liệu để chế tác nhạc cụ. Mong muốn của mình là thể hiện âm nhạc truyền thống của dân tộc thông qua các loại nhạc cụ mới mà không làm mất đi đặc trưng của nó. Từ đó tạo môi trường biểu diễn đa dạng, phong phú, tạo nên sức sống mới cho âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện đại”.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.