Kbang: Gìn giữ và phát huy cồng chiêng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kbang là huyện có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Bahnar, chính vì thế mà việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Bahnar-trong đó có cồng chiêng Tây nguyên-luôn được huyện quan tâm. Những nỗ lực ấy đã và đang phát huy hiệu quả với việc hình thành ngày càng nhiều đội cồng chiêng tiềm năng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức đặt ra.  

Đội chiêng thanh-thiếu niên Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Đội chiêng thanh-thiếu niên Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, hiện nay trên địa bàn huyện có 103 đội cồng chiêng, với trên 3.600 nghệ nhân. Đặc biệt trong đó có 1 đội cồng chiêng nữ và 7 đội cồng chiêng thanh-thiếu niên (độ tuổi từ 25 trở xuống). Từ năm 2010 đến nay huyện Kbang duy trì 2 năm 1 lần, tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong toàn huyện, nhằm phát động phong trào thi đua luyện tập và biểu diễn cồng chiêng trong đồng bào dân tộc Bahnar.

Tại xã Tơ Tung, năm 2015 một đội cồng chiêng gồm các thanh-thiếu niên làng Stơr đã được thành lập, với mục tiêu đầu tiên là nhằm biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Tuy nhiên sau 1 thời gian luyện tập, hầu hết các thành viên trong đội đều đã ý thức được nguồn cội văn hóa của dân tộc mình và mong muốn được chơi cồng chiêng như những người Bahnar biết trân quý bản sắc dân tộc. Anh Đinh Doa- làng Stơr, xã Tơ Tung- năm nay 37 tuổi thì đã có gần 15 năm kinh nghiệm chơi cồng chiêng. Được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội cồng chiêng tại chính Nhà lưu niệm Anh hùng Núp ngay từ những ngày đầu thành lập, nên đối với anh đây là một việc làm rất ý nghĩa.

Em Đinh Uê (14 tuổi, làng Stơr, xã Tơ Tung)- sau 2 năm luyện tập cồng chiêng, tâm sự: Em thích đánh cồng chiêng vì đây là văn hóa truyền thống của dân tộc. Em sẽ cố gắng tập luyện nhiều hơn để chơi tốt hơn và luyện tập cùng các anh em trong nhà nữa để ai cũng có thể chơi được chiêng.


 

Đội chiêng nữ làng Leng biểu diễn phục vụ khách tham quan. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Đội chiêng nữ làng Leng biểu diễn phục vụ khách tham quan. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Xã Tơ Tung, huyện Kbang còn được biết đến là địa phương duy nhất trong huyện đã xây dựng được đội cồng chiêng nữ tại làng Leng. Được thành lập từ năm 2012, với trên 20 thành viên đến nay đội đã có trên 40 thành viên có thể thể biểu diễn cồng chiêng thành thục, đủ sức tạo nên những giai điệu rộn ràng với thanh âm mạnh mẽ và thôi thúc không thua kém gì các đội cồng chiêng do những nghệ nhân nam biểu diễn. Tiếng lành đồn xa, có lẽ, chính sự thành công của đội đã tạo động lực cho phong trào luyện tập cồng chiêng trong huyện phát triển mạnh mẽ hơn, và là khởi đầu cho sự nhen nhóm hình thành các đội cồng chiêng nữ khác. Như Câu lạc bộ cồng chiêng nữ làng Chiêng, thị trấn Kbang- thành lập năm 2015, nhưng vì hoạt động chưa hiệu quả nay đã giải thể; hay Chi hội Phụ nữ làng Groi- thị trấn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể làng gây quỹ mua bộ cồng chiêng trị giá 27 triệu đồng để phục vụ việc luyện tập, tuy nhiên việc sinh hoạt chưa thường xuyên.

Ông Đinh Bli-Bí thư Chi bộ làng Leng, xã Tơ Tung, người trực tiếp dẫn dắt đội cồng chiêng nữ luyện tập- chia sẻ kinh nghiệm: Đối với đội cồng chiêng nữ thì đã được thành lập từ lâu, khoảng 4, 5 năm. Khi có các sự kiện ở tỉnh, huyện tổ chức thì đội cũng đi biểu diễn, phục vụ cho khách thưởng thức, tìm hiểu. Hiện nay thì đội vẫn duy trì luyện tập thường xuyên và có thể nói đã thành thạo hầu hết các bài biểu diễn; các loại trang phục truyền thống phục vụ biểu diễn cũng gần như có sẵn tại nhà, hoặc là họ vừa tự dệt trang phục vừa truyền lại nghề cho các thế hệ sau này để mà gìn giữ truyền thống dân tộc.

Năm 2005, Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây nguyên đã  được UNESSCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó vừa là sự khẳng định cho giá trị đặc sắc của một nền văn hóa dân tộc, vừa là sự ghi nhận cho những nỗ lực gìn giữ “di sản” ấy suốt bao đời. Tuy nhiên, để phát huy có hiệu quả cồng chiêng Tây nguyên trong các thế hệ người Bahnar nói riêng và các địa phương nói chung thì đây là một việc làm hết sức khó khăn mà không chỉ một cá nhân hay tập thể nào có thể làm được.

Huỳnh Thị Hà Duyệt

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.