Quảng Nam: Triển lãm di sản tư liệu quốc tế Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng tuần văn hóa Festival Di sản Quảng Nam lần VI 2017, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An tổ chức triển lãm tư liệu quốc tế Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn.
 

Nội dung giới thiệu Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn.
Nội dung giới thiệu Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn.

Đây là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa khi lần đầu tiên hai Di sản tư liệu cấp quốc tế là Châu bản triều Nguyễn và Mộc bản triều Nguyễn được giới thiệu trưng bày tại Hội An. Nhiều phiên bản tài liệu lưu trữ gốc, tiêu biểu, đặc sắc về Hội An và Quảng Nam cũng đã được giới thiệu trong triển lãm này.

Hội An từng là một thương cảng quốc tế quan trọng tại miền Trung giai đoạn thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Mặc dù đến triều Nguyễn, Hội An không còn là một cảng thị sầm uất do việc bồi đắp nhanh chóng của các dòng sông, khiến thế mạnh giao thông đường thủy và hải cảng nơi đây dần mất đi.

Tuy nhiên qua nghiên cứu Châu bản triều Nguyễn nhận thấy, thế kỷ 19 vai trò của Hội An vẫn khá quan trọng trong các hoạt động thương mại tại miền Trung. Một trong những công việc triều đình nhà Nguyễn luôn nỗ lực để giữ cảng Hội An là khơi thông các con sông đổ ra biển và mở mang đường bộ nối Hội An với Đà Nẵng và các đô thị khác.

 

Những Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn được giới thiệu tại triển lãm.
Những Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn được giới thiệu tại triển lãm.

Trong lần triển lãm này, ban tổ chức đã lựa chọn và giới thiệu gần 80 tài liệu cổ từ Châu bản triều Nguyễn và Mộc bản triều Nguyễn. Đây là những tài liệu gốc quý giá, giúp công chúng có cái nhìn tổng thể và hiểu rõ hơn về lịch sử Hội An - Quảng Nam dưới triều Nguyễn.

Các Châu bản triều Nguyễn và Mộc bản triều Nguyễn này cũng là những dấu mốc quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hội An - Quảng Nam ngay từ khi vùng đất này còn là đất quận Nhật Nam, sau thuộc nước Chiêm Thành, rồi vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng vùng đất Châu Ô và Châu Rí cho nhà Trần, được đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu.

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem đất Chiêm Thành đặt làm đạo Quảng Nam. Lúc này tên Quảng Nam mới bắt đầu xuất hiện cho đến khi Quảng Nam trở thành một vùng đất trù phú với cảng thị Hội An nổi tiếng.

 

Giới thiệu Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn đến du khách.
Giới thiệu Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn đến du khách.

Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2014 gồm 773 tập, tương đương khoảng 85.000 văn bản lưu giữ đầy đủ và hoàn chỉnh thông tin về một triều đại phong kiến ở Việt Nam.

Đây là khối tài liệu duy nhất tại Việt Nam và hiếm có trên thế giới có bút tích của nhà vua phê duyệt chi tiết về mọi vấn đề của đất nước trên văn bản. Châu bản lưu bút tích phê duyệt trực tiếp bằng mực son của các vua triều Nguyễn và sử dụng 4 loại chữ viết là chữ Hán, chữ Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ (chữ Việt).

Châu bản triều Nguyễn còn phản ánh hoạt động giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới như Indonesia, Singapore, Philippine, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh, Tây Ban Nha...

 

Người dân và du khách xem triển lãm.
Người dân và du khách xem triển lãm.

Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2009 gồm 34.555 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Các bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam thời bấy giờ.

Trong dịp này, ban tổ chức còn giới thiệu những tài liệu quý khác liên quan đến vị trí chiến lược và những đóng góp quan trọng của vùng đất Quảng Nam xưa trong công cuộc mở cõi về phương Nam; vùng đất hiếu học được thể hiện qua những danh nhân tiêu biểu đỗ đạt dưới thời Nguyễn (từ vua Gia Long đến vua Khải Định) như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Phú Thứ…

Triển lãm được trưng bày từ ngày 6 đến 14-6 tại Bảo tàng Hội An, Quảng Nam.

Theo dantri

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.