Thi THPT Quốc gia 2019 theo hướng nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi phát hiện những tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức nhiều hội nghị để phân tích, tìm ra kẽ hở và những hạn chế của kỳ thi “2 trong 1” nhằm đề ra phương án khắc phục, hoàn chỉnh quy chế, tổ chức kỳ thi sắp đến tốt hơn.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Bộ chủ quản cũng đã thừa nhận kỳ thi vừa qua có những thiếu sót cơ bản như: vai trò quản lý, giám sát của Bộ chưa chặt chẽ, trách nhiệm của một số địa phương còn lỏng lẻo để cán bộ coi thi, chấm thi tự tung tự tác dẫn đến những tiêu cực đáng tiếc; phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn những kẽ hở trong bảo mật để kẻ xấu lợi dụng làm sai lệch kết quả thi; đề thi chưa phù hợp, có những môn ra đề quá khó, nhưng có môn lại quá dễ…
Tại các diễn đàn bàn về cải tiến công tác thi cử, các chuyên gia, nhà giáo đã đề xuất các giải pháp để hoàn thiện quy chế thi tốt nghiệp quốc gia. Đa số đồng tình với việc cần thiết duy trì kỳ thi “2 trong 1” vừa làm cơ sở xét tốt nghiệp vừa là điều kiện cho các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học tuyển sinh, ít nhất là từ nay đến năm 2020 khi có quyết định áp dụng chương trình mới.
Tuy nhiên, mới đây, trong cuộc họp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm tới “cách tiếp cận đề thi không phục vụ mục tiêu “2 trong 1” mà nhằm đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT”. Như vậy, sự phân hóa trong đề thi sẽ không còn quá cao mà chủ yếu bám sát vào chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Trên cơ sở đó, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng tùy theo phương cách mà tuyển đầu vào cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị nên tách nội dung đề thi làm 2 phần trong kỳ thi: phần thi tốt nghiệp THPT và phần thi đại học, cao đẳng. Thí sinh nào không dự thi đại học, cao đẳng, sau khi làm xong bài thi tốt nghiệp thì có thể nghỉ tại chỗ. Cũng có quan điểm cho rằng nên tổ chức chấm thi chéo, tức là tỉnh này được điều động chấm thi cho tỉnh khác để đảm bảo tính khách quan… Đồng thời, nhiều người đề xuất Bộ GD-ĐT nên xem lại để giảm tỷ lệ điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp nhằm nâng cao giá trị của kỳ thi quốc gia (hiện tỷ lệ này là 50% điểm học bạ và 50% điểm thi tốt nghiệp). Ví dụ, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nếu căn cứ điểm thi tốt nghiệp, không cộng điểm học bạ thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên toàn quốc chỉ đạt 46,38%, trong đó tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ở tỉnh Sơn La chỉ còn 12,71%, Hà Giang 14,14%... Trong khi nếu cộng cả điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp thì tỷ lệ này là 97,57%!
Tổng hợp nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu trong và ngoài ngành, Bộ GD-ĐT cơ bản thống nhất theo phương án cải tiến 3 nội dung cốt lõi: hoàn thiện quy chế thi, tăng cường công tác thanh tra, giám sát trong coi thi, chấm thi; tập trung nâng cao chất lượng cho ngân hàng câu hỏi; cải tiến một bước về khâu kỹ thuật để tránh kẽ hở. Đối với phần mềm tốt nghiệp và tuyển sinh, sau khi thi xong, giám thị quét bài thi thành file ảnh chuyển ngay về Bộ GD-ĐT. Việc niêm phong bài thi phải đảm bảo bí mật, an toàn. Bộ chủ quản là đơn vị đứng ra tổ chức chấm thi không giao cho địa phương như trước đây. Bài thi sẽ được làm phách, kể cả phiếu trả lời trắc nghiệm (có thể làm phách điện tử và được mã hóa). Để tăng cường chất lượng đề thi, Bộ kêu gọi các nhà giáo đóng góp cho ngân hàng câu hỏi nhằm khắc phục tình trạng quá khó và quá dễ, đảm bảo vừa sức với kiến thức phổ thông.
Như vậy, trong hệ thống câu hỏi của đề thi không cần phân làm 2 phần cho thi tốt nghiệp và thi đại học như đề xuất. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức chấm thi theo cụm với sự giám sát chặt chẽ, không lập hội đồng chấm thi ở địa phương. Việc tổ chức 3 hay nhiều cụm chấm thi, Bộ sẽ cân nhắc sao cho tiện lợi, an toàn. Bộ cũng chú trọng đến khâu chọn lựa nhân sự coi thi và chấm thi; tổ chức tập huấn đầy đủ các yêu cầu, nội dung cho các thành viên tham gia công tác thi nhằm nâng cao năng lực thực thi công việc đảm bảo đúng quy chế ban hành, tránh các biểu hiện tiêu cực ở kỳ thi.
Chúng ta tin tưởng rằng, những vấp váp và trả giá của cá nhân và tập thể trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đủ để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiến đến việc tổ chức những kỳ thi chuẩn mực, an toàn, trung thực trong các năm tới.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.