Sáp nhập tổ dân phố, người dân đồng thuận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù còn những thắc mắc, trăn trở nhưng đa phần người dân tại phường Yên Thế (TP. Pleiku) đã thống nhất với phương án sáp nhập tổ dân phố trong thời gian tới.  

Phường Yên Thế có diện tích tự nhiên 1.286,5 ha. Phường có 4.416 hộ với 19.595 khẩu, phân bố ở 17 tổ dân phố và 1 làng. Việc sáp nhập các tổ dân phố có quy mô nhỏ nhằm tinh gọn bộ máy, giảm chi phí ngân sách, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương và hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội trên địa bàn phường đang là yêu cầu cần thiết, phù hợp với xu thế hiện nay.

 

Sau khi sáp nhập, phường Yên Thế còn 10 tổ dân phố và 1 làng.          Ảnh: Văn Ngọc
Sau khi sáp nhập, phường Yên Thế còn 10 tổ dân phố và 1 làng. Ảnh: Văn Ngọc

Đầu tháng 4-2018, UBND TP. Pleiku đã có Công văn số 520/UBND-NV chỉ đạo các xã, phường triển khai sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn. Trong đó, UBND TP. Pleiku  yêu cầu UBND các xã, phường khẩn trương xây dựng đề án sáp nhập thôn, làng, tổ dân phố chưa đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định. Trong quá trình triển khai, các xã, phường phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan. Đồng thời, việc sáp nhập phải đảm bảo cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân. Các thôn, làng, tổ dân phố thực hiện sáp nhập phải có vị trí địa lý liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt phức tạp, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân.

Trên cơ sở đó, UBND phường Yên Thế đã triển khai xây dựng đề án, hệ thống bản đồ và kế hoạch để thành lập các tổ dân phố mới trên cơ sở sáp nhập các tổ dân phố cũ. Qua rà soát theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ, phường Yên Thế có 14 tổ dân phố phải sáp nhập vì không đủ quy mô 300 hộ/tổ. Theo kế hoạch, 14 tổ này sẽ được sáp nhập lại thành 7 tổ. Từ đó, UBND phường đã thành lập 3 tổ công tác để tổ chức họp dân ở 14 tổ dân phố, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân về việc sáp nhập này.

Việc sáp nhập ban đầu khiến người dân ít nhiều bỡ ngỡ nhưng sau đó đều thống nhất cao. Ông Lê Xuân Hanh-Tổ trưởng tổ dân phố 1, cho biết, hiện tổ có 298 hộ, tức gần đạt quy mô 300 hộ/tổ dân phố. Ban đầu, người dân không đồng ý vì nếu gộp với tổ khác thì tổ 1 sẽ quá đông. “Người dân lo ngại việc quản lý địa bàn khó, chưa kể các phong trào đang ổn định, khi sáp nhập họ sợ sẽ phá vỡ sự ổn định này nên không nhất trí”-ông Hanh nói. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, vận động, tổ dân phố sau đó đã lấy ý kiến của 252 hộ thì có đến 205 hộ đồng ý. Anh Bùi Việt Hoàng (trú tại tổ dân phố 3) cho hay: “Tôi cũng thống nhất với phương án sáp nhập của phường. Tuy nhiên, tôi mong các cấp tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục hành chính sau khi sáp nhập vì các loại giấy tờ sẽ phải thay đổi với số lượng lớn thì không thể triển khai trong ngày một ngày hai được”.    

Ông Trần Đại Trí-Phó Chủ tịch UBND phường Yên Thế, cho biết, qua các cuộc họp, người dân bày tỏ nhiều tâm tư, đặc biệt là việc cần giúp họ giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính khi phải sửa đổi lại các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế… bởi các tổ dân phố sau khi sáp nhập sẽ được đánh số mới dẫn đến các loại giấy tờ cũng phải thay đổi. Bên cạnh đó, một số người dân lo ngại việc sáp nhập khiến địa bàn tổ dân phố rộng, dân cư đông, cán bộ tổ dân phố không thể quán xuyến hết công việc, không bám sát tình hình. Quá trình triển khai các công tác để tiến hành sáp nhập diễn ra trong một thời gian ngắn nên việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chưa kịp thời, số lượng người dân đi họp chưa đạt dẫn đến một số hộ dân không hiểu rõ ý nghĩa của việc này.

“Người dân có những thắc mắc nhưng sau khi được giải đáp, bà con đã đồng thuận với đề án sáp nhập của UBND phường. Sau khi sáp nhập, phường Yên Thế sẽ còn 10 tổ dân phố và 1 làng, số người hoạt động không chuyên trách giảm 91 người, phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cũng sẽ giảm được 11.190.000 đồng/tháng/tổ dân phố”-ông Trí cho biết thêm.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…
Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

Vợ chồng nghèo nuôi 2 con bại não

(GLO)- Không có đất sản xuất và công việc ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng Thủy (SN 1987, thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hàng ngày phải bươn chải để kiếm sống và chăm sóc 2 người con trai mắc bệnh bại não.
Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

Bà Phạm Thị Hồng rộng lòng cưu mang những trẻ em bất hạnh

(GLO)- Xót thương những mảnh đời bất hạnh, suốt 40 năm qua, bà Phạm Thị Hồng (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ. Được nuôi dạy chu đáo tại nhà số 57 Trần Nhật Duật, các cháu đều trìu mến gọi bà Hồng là mẹ nuôi.