Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3-12): Tạo sinh kế cho người khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với người khuyết tật (NKT), việc tham gia lao động sản xuất không chỉ tạo nguồn thu nhập nuôi sống bản thân mà còn giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội, là cơ hội để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, nhiều tổ chức, hội, đoàn thể trong tỉnh Gia Lai đã có những chương trình, việc làm cụ thể nhằm trao “cần câu” cho người NKT.
Giúp người khuyết tật vươn lên
Năm 2015, anh Trương Quang Nghĩa (SN 1976, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai) được chương trình “Hỗ trợ, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe, phục hồi cho nạn nhân chất độc da cam” của Hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin Vend TP. Hồ Chí Minh tặng 1 con bò sinh sản. Dù bị mù bẩm sinh nhưng anh Nghĩa luôn cố gắng chăm sóc nên bò đã sinh được 2 con bê, mỗi con bê bán được 6 triệu đồng. Từ số tiền này, anh đã sửa chữa căn nhà vốn tạm bợ. Anh Nghĩa cho biết: “Nếu không có nguồn hỗ trợ như thế thì những NKT như tôi không biết đến bao giờ mới bớt khổ”.
Bị liệt 2 chân từ lúc 5 tuổi nhưng chị Siu H'Miết (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cũng là tấm gương vượt lên nghịch cảnh. Chị đang có một gia đình hạnh phúc với người chồng hết mực yêu thương và 2 cô con gái ngoan ngoãn. Trước đây, hàng ngày, vợ chồng chị chăm chỉ chăm sóc 1 sào cà phê và làm thuê để trang trải cuộc sống nhưng thu nhập vẫn khá bấp bênh. Năm 2016, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng gia đình chị H'Miết 2 con bò sinh sản. Nhà nghèo nên đây là cả một gia tài mà chưa bao giờ gia đình chị dám mơ tới. “Nhờ có 2 con bò mà vợ chồng mình có thêm hy vọng. Sau 2 năm, bò đã đẻ được 3 con bê, bán được 15 triệu đồng. Có tiền, vợ chồng mình mua phân bón và tận dụng nguồn phân bò để chăm sóc cà phê. Nhờ cà phê cho sản lượng cao nên cuộc sống của gia đình không còn quá khó khăn như trước nữa”-chị H'Miết chia sẻ.
   Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng bò giống cho người khuyết tật.  Ảnh: đ.y
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng bò giống cho người khuyết tật. Ảnh: Đinh Yến
Tương tự là trường hợp của gia đình bà Siu Thao (xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai). Trước đây, bà Thao thuộc diện hộ nghèo, bản thân lại là NKT, không có vốn để phát triển chăn nuôi. Năm 2017, bà được hỗ trợ 2 con heo giống từ Dự án “Hỗ trợ sinh kế bền vững cho NKT” của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh làm vốn làm ăn. Đến nay, heo đã sinh được 4 lứa, mỗi lứa bán được 3-4 triệu đồng. Đầu năm 2018, gia đình bà Thao đã thoát nghèo.
“Chìa khóa” thoát nghèo
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 6.400 NKT, phần lớn đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng hỗ trợ sinh kế giúp NKT vươn lên trong cuộc sống.
Trước thực trạng đó, từ năm 2011, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê đã phối hợp với nhiều tổ chức, hội, đoàn thể để hỗ trợ cho NKT bị nhiễm chất độc da cam. Theo đó, Hội đã phối hợp với Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin Vend TP. Hồ Chí Minh thực hiện chương trình “Hỗ trợ, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe, phục hồi cho nạn nhân chất độc da cam”, qua đó hỗ trợ giống vật nuôi và tiền mặt cho hàng trăm NKT. Ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê-cho biết: Tính từ năm 2011 đến nay, chương trình đã hỗ trợ 650 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chưa tìm ra cách thoát nghèo do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn làm ăn để nuôi bò sinh sản, nuôi nhím, thỏ, hỗ trợ xe lăn, xông hơi giải độc... Được thụ hưởng chương trình, NKT đã chủ động tham gia, không trông chờ hay ỷ lại, vì vậy các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế, giúp họ có được việc làm và cuộc sống ổn định.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam và của UBND tỉnh về chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT tại xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã xây dựng dự án hỗ trợ sinh kế nuôi bò sinh sản cho NKT ở các xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), Tơ Tung, Krong (huyện Kbang), Tân An (huyện Đak Pơ). Hội cũng đã hỗ trợ 20 con heo giống cho NKT huyện Kbang.
Ông Trương Đình Ba-Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mô côi tỉnh-cho biết: “Sau 8 năm triển khai dự án, trên 200 NKT được hỗ trợ sinh kế, tất cả NKT tham gia dự án sinh kế đã thoát nghèo. Người khuyết tật tham gia dự án đều nắm bắt đầy đủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi, mang lại hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho bản thân và gia đình. Dù nguồn vốn hỗ trợ chưa nhiều nhưng có tác dụng động viên tinh thần đáng kể, là cơ sở ban đầu để NKT tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư có hiệu quả và tiến đến giảm nghèo bền vững”.
Không chỉ giúp NKT giống vật nuôi, vốn, kiến thức làm ăn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn hỗ trợ dạy nghề, dạy chữ viết... Bà H'Ngia-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh-nêu quan điểm: Hỗ trợ cho NKT “cần câu” chứ không phải  “con cá” là cách làm hiệu quả hiện nay. Cách làm này mang lại hiệu quả rõ rệt như năm 2016, Hội hỗ trợ 30 con bò giống cho 15 NKT là nạn nhân chất độc da cam. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số đối tượng được hỗ trợ đều nỗ lực chăm sóc, tạo nguồn thu, cải thiện cuộc sống. Đây thực sự là một trong những hướng trợ giúp thoát nghèo hiệu quả và bền vững cho NKT.
“Nếu tặng NKT một khoản tiền thì chỉ có thể giải quyết nhu cầu trước mắt. Giúp họ có công việc phù hợp với khả năng mới là “chìa khóa” giải quyết vấn đề việc làm, đồng thời tạo nguồn sinh kế bền vững, lâu dài”-bà H'Ngia đúc kết.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Chị Nguyễn Thị Tâm (bìa trái) cẩn thận đóng hũ từng suất ăn sáng trước khi phát cho bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

“Bữa sáng yêu thương” ở Trung tâm Y tế huyện Ia Pa

(GLO)- 7 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm (Phòng Điều dưỡng-Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã nấu hàng ngàn suất ăn sáng cho bệnh nhân nghèo với mong muốn tiếp thêm động lực để người bệnh vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị bệnh.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.