Gia đình ly tán, bé gái 13 tuổi thay mẹ nuôi 2 em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia đình tan vỡ, người bố dẫn theo một em trai sang làng khác lấy vợ mới. Người mẹ vào Sài Gòn làm công nhân để gửi tiền nuôi 3 đứa con; con gái đầu mới 13 tuổi phải thay mẹ nuôi 2 đứa em còn nhỏ. Đó là câu chuyện của gia đình em Kpă H'Phiên (13 tuổi, trú tại làng Pan, xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai).
Chỉ mong có cơm ăn mỗi ngày
Căn nhà nhỏ xiêu vẹo trong một vườn cà phê giữa làng Pan đã từng là tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng anh chị Siu Kêh (SN 1980) và Kpă Glon (SN 1988) với 4 đứa con. Nhưng vì những mâu thuẫn ngày càng lớn, hạnh phúc gia đình này tan vỡ.
Thiếu bàn tay thu vén, chăm sóc của người lớn, căn nhà ngày càng lụp xụp, xung quanh cỏ mọc dày. Phía trong nhà trống hoác. Một chiếc ti vi cũ đã hỏng. Một chiếc ghế gỗ dài khoảng 1 m đã gãy chân. 2 cái nồi nhôm ám đầy nhọ và 3 chiếc tô nhựa gác cạnh bếp. Vật có giá trị nhất trong ngôi nhà này là chiếc giường rộng khoảng 1,2 m. Đây là nơi ở của 3 đứa trẻ: cô con gái đầu tên Kpă H'Phiên (13 tuổi), em gái thứ 2 Kpă H'Nghiên (6 tuổi) và cô em út Kpă H'Đi (4 tuổi).
  Bữa cơm của 3 chị em H'Phiên. Ảnh: N.T
Bữa cơm của 3 chị em H'Phiên. Ảnh: N.T
H'Phiên đã 13 tuổi nhưng thân hình chỉ bằng một đứa trẻ 9 tuổi. 2 em gái cũng bé choắt. Vì suy dinh dưỡng và gần đây hay đau tức ở ngực gây khó thở nên H'Phiên không thể làm việc nặng. Hàng ngày, H'Phiên chỉ làm việc lặt vặt như quét nhà, nấu cơm và chơi với 2 em. “Trước đây em thường đi nhặt củi hoặc phế liệu quanh làng rồi bán lại kiếm ít tiền mua thức ăn cho các em. Gần đây em chỉ ở nhà trông em thôi. Hàng xóm cũng thường xuyên nhờ em trông giúp con để đi làm rồi trả công bằng ít gạo hoặc thức ăn như rau, trứng. Tiền mẹ gửi về mỗi tháng, em mua một bao gạo để đó chứ không mua thức ăn. Bọn em chỉ cần ngày nào cũng có cơm ăn thôi”-HPhiên kể.
Bà Kpă HDeh-bà ngoại lũ trẻ-chia sẻ: “Nhà nghèo nên mẹ nó phải đi làm thuê ở miền Nam nhưng cũng không có nhiều tiền đâu. Mỗi tháng chỉ gửi về vài trăm ngàn đồng. Tiền đó để mua gạo, mua muối, nước mắm và để đóng tiền điện. Hôm nào mình đi làm thuê có tiền thì mua thêm cho 3 đứa ít thức ăn, còn không thì chúng nó đi hái rau quanh nhà hoặc xin của người làng. Con mình không có đất làm rẫy và làm nhà ở. Phần đất này là của một người làng cho mượn làm nhà ở tạm. Mình không có tiền nên con cái cũng khổ”.
Vì hoàn cảnh khó khăn và không ai trông các em, H'Phiên phải nghỉ học. “Mẹ gọi về bảo nghỉ để trông em cho bà ngoại đi làm thuê kiếm tiền. Với lại trường học xa mà em không đủ sức đạp đến nơi. Đạp được chút xíu là khó thở. Em cũng không đi khám bệnh vì không có tiền”-HPhiên bộc bạch.
Những tấm lòng thảo thơm
Thiếu vắng tình cảm cha mẹ, 3 đứa trẻ tự biết phân công nhau. Bé Kpă H'Đi dù mới 4 tuổi nhưng rất biết nghe lời các chị. Đến giờ ăn, bé tự bưng tô ngồi ăn, không chờ đút. “Hồi mẹ mới đi xa, buổi tối chỉ có 3 chị em ngủ với nhau, các em sợ nên hay khóc rồi nhõng nhẽo nhưng nay hết rồi. Đến giờ ăn là tự ra bưng tô xúc ăn. Đến tối là tự vào giường nằm ngủ, không tranh giành nhau chăn mền hay chỗ nằm. Nhà mình ở xa, không thường xuyên ở lại cùng được, thấy các cháu ngoan ngoãn cũng vui”-bà HDeh cho hay.
Cảm thương cho đứa trẻ mới 13 tuổi đã phải thay mẹ chăm em, dân làng Pan thường giúp đỡ H'Phiên. Ngoài những bó rau, chén thức ăn, họ còn vận động các em gái lớn đến nhà ngủ lại với 3 chị em. Chị Rơ Lan Hương-một người dân làng Pan-cho hay: “Thấy thương các cháu nên người làng hay cho gạo và thức ăn, mỗi buổi tối lại tạt qua nhà một xíu. Nhà mình ở gần bên nên đã dặn các cháu có việc gì thì gọi”.
Thấu hiểu hoàn cảnh các em, chính quyền và đoàn thể xã Dun đã quan tâm chia sẻ khó khăn. Đoàn xã Dun thường xuyên cử đoàn viên thanh niên đến động viên, hỗ trợ các em sửa chữa đường điện, bít các lỗ hổng quanh tường nhà… Hôm dẫn chúng tôi đến thăm nhà các em, chị Tạ Thị Ngọc Yến-Bí thư Đoàn xã Dun-xách thêm một túi to đồ ăn vừa mua ở chợ gồm: thịt heo, trứng, rau… “Đoàn viên trong xã thường đóng góp tiền mua thức ăn cho 3 chị em. Mỗi tháng, chúng tôi mua cho các em từ 100 đến 200 ngàn đồng thức ăn các loại. Đầu năm học 2018-2019, chúng tôi cũng tặng cho 3 chị em sách vở mới và xin quần áo cho các em. Ủy ban nhân dân xã cũng đã trao tặng cho 3 chị em một chiếc xe đạp mới”-Bí thư Đoàn xã Dun cho biết.
Hoàn cảnh của 3 chị em H'Phiên rất cần sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ Tòa soạn Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (gặp chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu, số ĐT: 0943065095).
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.
Gia Lai có trên 150 tăng, ni, phật tử hiến máu tình nguyện

Gia Lai có trên 150 tăng, ni, phật tử hiến máu tình nguyện

(GLO)- Chiều 3-3, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Gia Lai phối hợp với Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) và Phân Ban gia đình phật tử-thuộc Giáo hội phật giáo tỉnh cùng Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo Giọt Hồng Lam tổ chức chương trình “Hiến máu nhân đạo” đợt 1-2024.
Kbang: Tặng quà cho đồng bào nghèo và trẻ mồ côi, khó khăn

Kbang: Tặng quà cho đồng bào nghèo và trẻ mồ côi, khó khăn

(GLO)- Ngày 23-2, Hội Chữ thập đỏ huyện Kbang phối hợp với Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Phú Cường Phát (TP. Hồ Chí Minh) và Câu lạc bộ tình nguyện viên Chữ thập đỏ “Trái tim tình nguyện Kbang” tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.