Hai học trò nghèo cần lắm những vòng tay nhân ái!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc sống đã đặt ra cho 2 cô học trò Jrai Rơ Lan Bói (học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) những thử thách quá lớn: một em thì cha mất, mẹ thương tật nặng do tai nạn giao thông; một em thì mắc hội chứng thận hư. Cuộc sống khó khăn nhưng các em vẫn miệt mài mỗi ngày đến trường với nhiều khát vọng.
Nghị lực của cô bé mắc hội chứng thận hư
Nói về cô học trò Rơ Lan Bói (học sinh lớp 7B), thầy Nguyễn Văn Trường-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Thanh rất tự hào: “Em Bói là học sinh có thành tích học tập nổi bật ở trường. Mặc dù bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều khi bị cơn đau hành hạ nhưng Bói vẫn đi học rất chuyên cần. Có những lúc bệnh trở nặng, em phải nghỉ hàng tuần nhập viện chữa trị nhưng sau đó lại miệt mài học để theo kịp các bạn”.
Em Bói phát hiện mắc hội chứng thận hư vào tháng 11-2017 sau khi liên tục bị hành hạ bởi những cơn đau bụng dữ dội và cơ thể phù nề khiến việc sinh hoạt trở nên khó khăn. “Bệnh nhân bị hội chứng thận hư, biến chứng viêm phúc mạc tiên phát và viêm phổi. Lần đầu nhập viện, em đã phải chuyển điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Sau khi được điều trị kịp thời, bệnh tình của Bói đã thuyên giảm và có thể trở về nhà tiếp tục theo dõi, điều trị”-bác sĩ Rơ Châm Nhên-Khoa Nội Tổng hợp-Y học cổ truyền-Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi tỉnh) cho biết.
  Gương mặt Rơ Lan Bói bị phù nề bởi hội chứng thận hư tái phát nhưng em vẫn miệt mài đến lớp mỗi ngày và đạt thành tích cao trong học tập. Ảnh: LH
Gương mặt Rơ Lan Bói bị phù nề bởi hội chứng thận hư tái phát nhưng em vẫn miệt mài đến lớp mỗi ngày và đạt thành tích cao trong học tập. Ảnh: LH
Theo bác sĩ Nhên, với tình trạng bệnh như của em Bói, quá trình điều trị sẽ rất lâu dài và đây sẽ là áp lực không nhỏ trong điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn. “Bệnh nhân phải tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị kéo dài liên tục trong nhiều tháng. Trong khoảng thời gian đó, cứ 15-30 ngày, bệnh nhân phải trở lại bệnh viện tái khám và thực hiện các xét nghiệm máu để theo dõi tình trạng bệnh. Thông thường, 70-80% số bệnh nhân mắc hội chứng thận hư có thể tự khỏi, 20-30% số bệnh nhân có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Bệnh nguy hiểm khi không điều trị kịp thời và xảy ra biến chứng có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng và gây tử vong. Trường hợp bệnh nhân Bói đã chuyển giai đoạn biến chứng, vì thế phải hết sức lưu ý”-bác sĩ Nhên thông tin.
Khi phát bệnh, toàn thân Bói trở nên nặng nề bởi bị phù nề, bụng đau tức. Có đêm em không thể nằm ngủ bởi khó thở, chỉ có thể đứng hoặc ngồi, đi lại rất khó khăn. Lần nhập viện điều trị dài ngày nhất, Bói đã phải nghỉ học đến 2 tuần. Nhà Bói nghèo, lại có đến 5 anh chị em nên cha mẹ rất vất vả. Đầu năm học 2018-2019, em được nhận học bổng là một chiếc xe đạp để thuận lợi cho việc đến trường. “Em ước mơ sau này làm bác sĩ để chữa cho những người bệnh khác”-Bói nói về ước mơ của mình.
“Càng khó khăn, càng phải học tốt”
Ngày 1-3-2018, cuộc sống của em Ksor Thu (học sinh lớp 6C) đã bị đảo lộn hoàn toàn. Trên đường đi qua huyện Chư Sê, bố mẹ Thu chẳng may bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn đã khiến cha em tử vong, mẹ thì mang những di chứng nặng nề và gần như không còn sức lao động. Thu khi ấy đang là học sinh lớp 5, còn em gái học lớp 3.
Gia đình nghèo, kinh tế chỉ trông vào 600 gốc cà phê. Giờ đây, trụ cột của gia đình đã không còn, mẹ lại quá yếu, mọi việc đành phải nhờ người thân đôi bên giúp đỡ. Hành trình từ nhà em đến trường xa hơn 3 km. Cô học trò nhỏ dường như đã sẵn sàng đương đầu với những gian nan phía trước: “Em gái em còn nhỏ nên mỗi ngày ông ngoại đều chở đi học giúp. Còn em thì dậy từ sớm, tự chuẩn bị mọi thứ và đi bộ đến trường”. 
Trong các môn học, Thu thích nhất là môn Toán. “Em muốn học Toán giỏi để sau này thi vào ngành Y. Em ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ”-Thu bày tỏ.  Hoàn cảnh đặc biệt, vậy nhưng ở lớp, Thu vẫn là một cô bé hòa đồng, được thầy yêu, bạn mến. Thương cảm hoàn cảnh của em, một cán bộ đang công tác tại UBND xã Ia Băng đã nhận đỡ đầu, lo cho em quần áo, sách vở, tiền học phí.
Hành trình đến trường của các em để vươn tới ước mơ rất cần có sự chung tay, góp sức của các Mạnh Thường Quân. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ trực tiếp với Trường THCS Nguyễn Chí Thanh hoặc Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

Chung tay hỗ trợ làng đặc biệt khó khăn Plei Hlốp

(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa tổ chức kết nghĩa với làng Plei Hlốp.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Chị Nguyễn Thị Tâm (bìa trái) cẩn thận đóng hũ từng suất ăn sáng trước khi phát cho bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

“Bữa sáng yêu thương” ở Trung tâm Y tế huyện Ia Pa

(GLO)- 7 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, điều dưỡng Nguyễn Thị Tâm (Phòng Điều dưỡng-Trung tâm Y tế huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã nấu hàng ngàn suất ăn sáng cho bệnh nhân nghèo với mong muốn tiếp thêm động lực để người bệnh vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị bệnh.
602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.