Giúp hội viên và người dân nâng cao chất lượng cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn giúp hội viên phụ nữ nghèo và người dân vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai xây dựng “Mái ấm tình thương” và ra mắt “Kho thóc tình thương” tại làng Kret Krot (xã Hà Ra, huyện Mang Yang).

Ấm áp ngôi nhà tình thương

Phải rất lâu rồi, gia đình chị Khẽn (làng Kret Krot) mới có niềm vui lớn đến thế! Mà có lẽ không riêng vợ chồng chị Khẽn, cả người dân trong làng cũng chung niềm vui ấy. Vì vậy, ngay từ rất sớm, bà con trong làng đã kéo đến nhà chị rất đông, có người còn nhiệt tình mang theo cả cuốc, xẻng để phụ giúp đào móng, đặt đá, xây nhà.

 

Người dân phấn khởi mang thóc đến kho. Ảnh: A.H
Người dân phấn khởi mang thóc đến kho. Ảnh: A.H

Bà Chehch-Chi hội trưởng phụ nữ làng cho hay, gia đình chị Khẽn là hộ nghèo của xã, nhiều năm qua vẫn phải ở trong ngôi nhà tạm bợ, dột nát mà không có khả năng sửa chữa, xây dựng. Gia đình chị Khẽn có 6 người nhưng chỉ có 2 lao động chính vì 4 con đều còn nhỏ (con lớn nhất mới 10 tuổi, con nhỏ gần 3 tuổi). Mọi chi tiêu trong nhà đều trông vào 4,5 sào mì và 1 sào lúa nhưng do diện tích đất bạc màu, gia đình lại nghèo không có tiền đầu tư phân bón nên năng suất cây trồng không cao. Gánh nặng mưu sinh khiến anh chị nhìn già hơn rất nhiều so với tuổi thật. Và cũng chính gánh nặng ấy khiến anh chị chẳng dám mơ đến một ngôi nhà xây kiên cố, vững chãi. Chẳng thế mà đêm trước lễ khởi công xây dựng “Mái ấm tình thương”, chị Khẽn vẫn hỏi đi hỏi lại chồng-anh Prẽk-rằng, có đúng sáng mai, mình sẽ có nhà mới không? Và rồi, cả đêm chị không tài nào chợp mắt, cứ chờ cho trời mau sáng!

Niềm vui có nhà mới không chỉ hiển hiện trong ánh mắt của vợ chồng anh Prẽk-chị Khẽn mà còn thể hiện trong tiếng cười giòn tan và tiếng rủ rỉ hỏi nhau của 4 đứa trẻ trong nhà. Chúng chạy quanh sân bằng đôi chân trần, thỉnh thoảng lại tụm lại hỏi nhau, có phải nhà đang xây kia là nhà mới của mình? Có lẽ chúng vui vì từ nay sẽ có những đêm ngon giấc, sẽ không còn cảnh phải gom áo quần, sách vở mỗi khi trời nổi cơn giông gió…

Đưa tay chặm những giọt nước mắt trực tuôn rơi, chị Khẽn nghẹn ngào: “Nhà mình đang ở đã cũ lắm rồi! Giờ được các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ xây nhà mới, mình biết ơn lắm! Mình chỉ mong nhà sớm xây xong để tránh những ngày mưa sắp tới”. Trong lúc chờ nhà mới, gia đình chị vẫn ở tạm ngôi nhà cũ ngay bên cạnh mà chúng tôi ví là “khách sạn ngàn sao”, vì mái tôn trên nóc nhà lỗ chỗ những vết rách; những tấm tôn quây xung quanh cũng chẳng lành lặn khiến gió lùa tứ tung… Bà Nguyễn Thị Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hà Ra, cho biết: “Mái ấm tình thương” được xây dựng với kinh phí 50 triệu đồng do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ từ nguồn ủng hộ của Câu lạc bộ Nữ Doanh nghiệp tỉnh. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hà Ra và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mang Yang cũng vận động cán bộ, hội viên hỗ trợ thêm ngày công xây dựng để ngôi nhà sớm hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Những hạt thóc nghĩa tình

Cùng với hoạt động khởi công xây dựng “Mái ấm tình thương” cho gia đình hội viên phụ nữ nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn tổ chức ra mắt “Kho thóc tình thương” tại làng Kret Krot. Kho thóc này do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng và được đặt ngay bên cạnh nhà rông của làng để thuận tiện cho bà con đưa thóc đến kho sau mùa thu hoạch. Bình quân mỗi năm, mỗi gia đình sẽ đóng góp vào kho 10 kg thóc, nếu vụ này bà con đóng chưa đủ thì vụ sau sẽ đóng bù vào. Theo ông Kơ-Trưởng thôn Kret Krot, khi vận động tham gia mô hình “Kho thóc tình thương”, các hộ dân trong làng đều nhiệt tình hưởng ứng vì hầu hết đều có diện tích đất trồng lúa, hộ nhiều thì 1 ha, hộ ít cũng có từ 1 sào đến 2 sào. Hơn nữa, các hộ đều biết rõ số thóc trong kho sẽ được dùng vào việc giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ đói trong mùa giáp hạt vay nên ai cũng vui vẻ. Cũng theo ông Kơ, làng Kret Krot hiện có 58 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo, nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn và thiếu lao động. Do đó, số hộ có nhu cầu vay thóc rất lớn.

Hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của kho thóc nên ngay trong buổi sáng ra mắt, nhiều hộ dân đã tự nguyện gùi thóc từ nhà đến kho. Cùng với đó, một số Mạnh Thường Quân trong huyện, trong xã cũng đóng góp thêm nên tổng số thóc thu được là 350 kg. Làng đã mở cửa kho giải quyết ngay cho 2 hộ: Blâ và Blek vay với số lượng 30 kg thóc/hộ để giải quyết khó khăn. “Số thóc còn lại sẽ được các hộ dân mang đến kho sau khi thóc đã phơi đủ nắng”-ông Kơ khẳng định. Kho thóc được giao cho Chi hội trưởng phụ nữ và Trưởng thôn quản lý, trông nom, mỗi khi người dân trong làng có nhu cầu nộp thóc vào kho, hai người có trách nhiệm mở cửa kho và ghi chép lại cẩn thận. Đồng thời, hộ dân nào có nhu cầu mượn thóc, Chi hội trưởng và Trưởng thôn cũng phải xem xét lại hoàn cảnh cụ thể rồi đem ra cuộc họp để thống nhất…

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

602 phần quà tặng người nghèo, người khuyết tật huyện Krông Pa, Đak Đoa và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 16 và 17-3, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện: Krông Pa, Đak Đoa, Đak Pơ và Đoàn từ thiện Phước Huệ (phường 15, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tặng quà cho người dân tộc thiểu số nghèo, bệnh nhân phong, người khuyết tật tại địa phương.
Gia Lai có trên 150 tăng, ni, phật tử hiến máu tình nguyện

Gia Lai có trên 150 tăng, ni, phật tử hiến máu tình nguyện

(GLO)- Chiều 3-3, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Gia Lai phối hợp với Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) và Phân Ban gia đình phật tử-thuộc Giáo hội phật giáo tỉnh cùng Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo Giọt Hồng Lam tổ chức chương trình “Hiến máu nhân đạo” đợt 1-2024.
Kbang: Tặng quà cho đồng bào nghèo và trẻ mồ côi, khó khăn

Kbang: Tặng quà cho đồng bào nghèo và trẻ mồ côi, khó khăn

(GLO)- Ngày 23-2, Hội Chữ thập đỏ huyện Kbang phối hợp với Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Phú Cường Phát (TP. Hồ Chí Minh) và Câu lạc bộ tình nguyện viên Chữ thập đỏ “Trái tim tình nguyện Kbang” tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.