Những người canh "mắt thần" thời tiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu năm 2019, Trạm radar thời tiết Pleiku chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ theo dõi và đưa ra cảnh báo kịp thời về tình hình thời tiết cực đoan cho các tỉnh Tây Nguyên. Để đảm đương nhiệm vụ là “mắt thần” theo dõi thời tiết 24/24 giờ, các cán bộ, quan trắc viên của Trạm gần như không nghỉ trong những ngày Tết.
Không cứ ngày Tết mà cả ngày thường, các cán bộ, quan trắc viên của Trạm radar thời tiết Pleiku luôn có mặt túc trực tại đơn vị để cập nhật, xử lý kịp thời thông tin báo về. “Đây là trạm radar phân cực đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, có thể tự động thu thập số liệu cảnh báo cực ngắn những hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông lốc, mưa đá, sét… Trạm vận hành liên tục 24/24 giờ, trung bình quét tự động 10 phút/lần, quét 360 độ với các góc nâng từ 0 độ đến 36 độ. Radar sẽ thu nhận các tín hiệu thời tiết trong phạm vi bán kính 180-600 km, từ đó đưa ra dự báo trước trong khoảng 6-12 giờ về các hiện tượng thời tiết cực đoan”-ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, phụ trách Trạm radar thời tiết Pleiku-cho biết.
  Ngày Tết, anh Nguyễn Văn Minh vẫn túc trực bên màn hình máy tính, theo dõi từng thông tin được radar tự động báo về. Ảnh: L.H
Ngày Tết, anh Nguyễn Văn Minh vẫn túc trực bên màn hình máy tính, theo dõi từng thông tin được radar tự động báo về. Ảnh: L.H
Trạm radar thời tiết Pleiku vừa được đơn vị thi công bàn giao ngày 27-12-2018 và chính thức đi vào vận hành từ ngày 1-1-2019. Trước đó, các chuyên gia Phần Lan đã có mặt để hướng dẫn, chuyển giao công nghệ vận hành cho cán bộ, quan trắc viên của Trạm trong vòng 14 ngày. Theo quy định, Trạm được biên chế 7-8 người. Tuy nhiên, hiện tại, đơn vị mới chỉ được bố trí 4 người, gồm cả 1 nhân viên an ninh. Theo yêu cầu công việc, tại trạm luôn phải có mặt tối thiểu 2 người trực vận hành, 1 người trực an ninh. Vì vậy, hầu như trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, tất cả cán bộ và nhân viên quan trắc đều phải có mặt.
Anh Nguyễn Văn Minh-cán bộ phụ trách vận hành Trạm radar thời tiết Pleiku, người có thâm niên 18 năm làm việc trong ngành dự báo thời tiết và tròn 8 năm làm việc tại các trạm radar-chia sẻ: “Công việc của chúng tôi tuy không nặng về sức nhưng lại rất căng thẳng, nhất là trong giai đoạn thời tiết giao mùa. Chúng tôi luôn phải theo dõi sát sao từng phản hồi từ radar, sau đó thông tin về đài cao không, đồng thời tiếp nhận các chỉ đạo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên. Công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh thần trách nhiệm cao bởi chỉ một vài phút lơ là thì hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng”.


Trạm radar thời tiết Pleiku được đặt trên đồi Đức Mẹ (phường Yên Thế, TP. Pleiku) ở độ cao 800 m so với mực nước biển. Tháp quan sát của Trạm có chiều cao 22 m. Đây là một trong những hệ thống cảnh báo thời tiết theo công nghệ của Phần Lan và được xem là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.


Vừa lập gia đình, chị Lê Thị Diệu Thu (quan trắc viên Trạm radar thời tiết Pleiku) gặp không ít khó khăn khi phải điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt để thích nghi với áp lực công việc. Mặc dù chia theo ca 8 giờ/ngày song do nhân lực còn thiếu nên hầu như ngày nào các cán bộ, nhân viên cũng đều phải túc trực tại trạm. “Những ngày Tết, chúng tôi vẫn đều đặn lịch trực như ngày thường, liên tục ngồi trước màn hình máy tính để theo dõi sát sao từng biến động bất thường của thời tiết. Cũng may, Tết là thời điểm tương đối ít xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan nên công việc cũng bớt căng thẳng. Tuy vậy, không một ai dám lơ là, sao nhãng nhiệm vụ”-chị Thu nói.
Cứ 3 tiếng/lần, các cán bộ, quan trắc viên tại Trạm radar thời tiết Pleiku phải gửi kết quả về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên. Với một tỉnh mà nông nghiệp là ngành kinh tế thế mạnh như Gia Lai, công tác dự báo thời tiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trạm radar thời tiết Pleiku vì vậy được xem là “mắt thần” quan sát mọi biến động của thời tiết để giúp nông dân không phải “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Không những thế, trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, công tác phát hiện, dự báo và cảnh báo kịp thời về các hiện tượng thời tiết cực đoan càng có ý nghĩa quan trọng, giúp địa phương chủ động ứng phó trước những tác động tiêu cực của thời tiết. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ là “mắt thần” thời tiết, đưa ra những cảnh báo chính xác, kịp thời nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực do hiện tượng thời tiết bất thường gây ra”-ông Nguyễn Văn Huấn nhấn mạnh.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.