Đào tạo sau đại học có dễ dãi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cách đây hơn 6 năm (2013), sau khi rà soát tình hình đào tạo sau đại học của các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải quyết định dừng tuyển sinh đối với 161 chuyên ngành của các cơ sở đào tạo vì vi phạm quy chế, kể cả một số trường, viện thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhưng sau đó, các cơ sở đào tạo cũng đã tìm mọi cách lách qua kẽ hở của quy định để mở rộng phương thức đào tạo thạc sĩ tại đơn vị mình, như liên kết với các cơ sở đào tạo ở địa phương để tuyển sinh; ngoài việc đào tạo tập trung còn “bung ra” đào tạo tại chức… Một số trường đại học, viện nghiên cứu vì chạy theo số lượng mà thả nổi chất lượng đầu vào và đầu ra của thí sinh cao học nên ngày càng nhiều người có bằng cấp cao nhưng thực chất thiếu năng lực khi tiếp cận thực tế, không có khả năng nghiên cứu khoa học. Là người thầy từng trực tiếp hướng dẫn các lớp sinh viên cao học và nghiên cứu sinh, GS-TS. Võ Tòng Xuân nhận xét, nhiều sinh viên cao học không những yếu ngoại ngữ, tin học mà kiến thức chuyên ngành cũng hạn chế; các luận văn tốt nghiệp đa phần không đạt chuẩn khoa học quốc tế cả về nội dung và hình thức… (Đào tạo thạc sĩ Việt Nam hiện còn nhiều nhiêu khê-theo Báo Lao Động).
Hiện nay, các trường đại học và viện nghiên cứu hầu hết đều có chương trình đào tạo sau đại học. Đây là một kênh quan trọng để duy trì và phát triển các cơ sở đào tạo. Vì thế, hàng năm, bên cạn h công tác tuyển sinh đại học, các đơn vị cũng có kế hoạch tuyển sinh cao học với các hình thức tập trung và không tập trung nhằm thu hút các đối tượng là công chức, viên chức hay nhân viên các doanh nghiệp. Một trong những phương cách mà các trường đại học đang áp dụng phổ biến là phối hợp với các cơ sở đào tạo tại địa phương hay các phân hiệu để tuyển sinh đào tạo thạc sĩ tại các tỉnh thành. Cách làm này nhằm tạo thuận lợi cho đa phần cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương đó có điều kiện học lên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, bên cạnh một số ít người vì đam mê khoa học mà tiếp tục học lên để đi sâu vào nghiên cứu các lĩnh vực, đa phần các công chức, viên chức muốn có được tấm bằng cao hơn để ổn định công việc hoặc tìm cơ hội thăng tiến. Khi đã đưa về địa phương đào tạo cao học thì các trường đại học bao giờ cũng “châm chước” về chất lượng đầu vào và đầu ra. Vì không có điều kiện và thời gian để đọc tài liệu, tiếp cận thường xuyên với người hướng dẫn hay làm việc trong các phòng thí nghiệm, đi thực địa điều tra, khảo sát nên sinh viên tại chức cao học ở địa phương không thể viết những luận văn tốt nghiệp có hàm lượng khoa học cao, chưa nói đến việc sao chép các ý tưởng, luận văn của người khác. Đó là một thực tế, dù các cơ sở đào tạo đều biết như thế, các nhà quản lý đào tạo thấy được vấn đề, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng “học giả, bằng thật” này.
Ở Gia Lai, theo khảo sát của Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, đến cuối tháng 6-2018, số cán bộ, công chức, viên chức trình độ từ thạc sĩ trở lên là 1.220 người (không kể 356 bác sĩ chuyên khoa I và II). Trước năm 2000, số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không vượt con số 100, chủ yếu ở các trường chuyên nghiệp của tỉnh. Riêng số người có trình độ thạc sĩ hiện nay là 1.196 người, tăng 437 người so với năm 2012 (bình quân mỗi năm có hơn 72 người có bằng thạc sĩ). Như vậy, số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao ở tỉnh ta tăng khá nhanh trong những năm gần đây. Được biết, hiện nay, nhiều trường đại học như: Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh), Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học (Đại học Huế) liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cùng với Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và phân hiệu Đại học Đông Á Đà Nẵng tại Gia Lai… đều có thông báo chiêu sinh cao học tại địa phương. Mới đây (tháng 10-2018), tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) vừa khai giảng khóa cao học với 93 sinh viên và 8 chuyên ngành đào tạo.
Thiết nghĩ, với cách đào tạo thạc sĩ tại địa phương theo hình thức tại chức và “phổ cập” như hiện nay thì có lẽ, khó có thể kỳ vọng về một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao để góp phần phát triển tỉnh nhà trong tương lai như mong muốn.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.