Người học "thực dụng" hơn trong lựa chọn cơ sở đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nay đến năm 2020, công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng ở nước ta dự kiến không có sự biến động lớn. Tuy nhiên, từ năm 2019, khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực (1-7-2019) thì tinh thần tự chủ của các cơ sở đào tạo này được đề cao.
Chính vì thế, năm nay, công tác tuyển sinh được các trường đại học, cao đẳng chủ động lên phương án khá sớm và linh hoạt hơn các năm trước. Bên cạnh việc xét tuyển truyền thống (dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT Quốc gia), nhiều trường còn tổ chức thi kiểm tra năng lực và xét tuyển theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Một số trường còn công bố tuyển sinh nhiều đợt trong năm nhằm tạo cơ hội cho thí sinh. Ngoài việc đề cao về chất lượng đào tạo, các trường đại học đang cố gắng tìm hiểu thị trường lao động, đón đầu những ngành nghề mới để mở các khoa đào tạo chuyên ngành nhằm thu hút sinh viên.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Trước áp lực và sự cạnh tranh mạnh mẽ, các trường đại học tốp trên đã đầu tư thu hút sinh viên có năng lực vào các khoa ngành có lớp đào tạo tài năng hoặc chất lượng cao. Trường Đại học Y Dược Huế năm nay còn mạnh dạn áp dụng chương trình y khoa của Đại học Harvard (Mỹ) để đào tạo theo chuẩn quốc tế nhằm tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có thể làm việc ở mọi nơi. Nhiều trường còn mở các trung tâm khởi nghiệp giúp sinh viên khởi nghiệp ngay từ khi đang còn học trong trường với sự hỗ trợ tích cực của các cơ sở sản xuất-kinh doanh liên kết. Sự thức thời của các cơ sở đào tạo đã từng bước tiệm cận với yêu cầu gắn công tác đào tạo với thực tiễn, giúp sinh viên dễ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường đại học, cao đẳng có phần tư vấn chung, tư vấn chuyên sâu và lồng ghép phần hướng nghiệp, giúp học sinh có sự lựa chọn ngành nghề một cách sát hợp với trình độ, khả năng để tránh tình trạng sinh viên khi vào học vài năm đầu đã phải bỏ học nửa chừng vì chọn ngành không phù hợp, gây lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc. Nhận thức của thí sinh đã “thực dụng” hơn trong việc lựa chọn ngành nghề tương lai; không còn kiểu học với mục đích có bằng đại học để rồi thất nghiệp như nhiều lớp đàn anh, đàn chị trước đó.
Hiện nay, theo đánh giá của các cơ sở tuyển sinh thì đáng lo ngại nhất vẫn là các trường đại học ở địa phương, phân hiệu của các trường đại học, cao đẳng ở tỉnh lẻ đang có nguy cơ không tuyển sinh được. Tại Gia Lai hiện đang có 2 phân hiệu (Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và Phân hiệu Đại học Đông Á Đà Nẵng) và Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh nhiều năm qua tuyển sinh không đủ chỉ tiêu; có những ngành không có sinh viên đăng ký theo học mặc dù có những ưu tiên đầu vào so với cơ sở chính. Năm nay, các phân hiệu này vẫn tiếp tục tuyển sinh theo phương thức như mọi năm, tức là xét điểm tốt nghiệp THPT Quốc gia, đồng thời có xét tuyển theo điểm học bạ ở bậc phổ thông, nhưng khó khăn vẫn chưa hết. Nhiều thí sinh cho rằng đã cất công đi học đại học thì phải học ở các trung tâm lớn, các thành phố năng động, phát triển để có cơ hội va chạm, học hỏi được nhiều ở thực tế, sau khi ra trường dễ tìm được việc làm và có điều kiện phát huy sở trường của mình hơn. Do vậy, việc mở phân hiệu đại học ở các địa phương cũng như phát triển trường đại học ở các tỉnh lẻ dường như không còn phù hợp trong xu thế mới. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy hoạch lại hệ thống đại học cả nước và sắp xếp lại các cơ sở đào tạo ở địa phương để tránh lãng phí.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.