Quan tâm phát triển giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giáo dục mầm non ở tỉnh Gia Lai trong những năm qua có tốc độ phát triển khá so với các tỉnh miền núi trên cả nước. Đặc biệt, ở khu vực đô thị, việc xã hội hóa ở bậc học này đang được các địa phương khuyến khích đầu tư mở rộng. Theo đánh giá của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục mầm non, cả tư thục và công lập, đều đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hay bạo hành trẻ; các dịch bệnh được phòng ngừa tốt; môi trường được cải tạo đảm bảo xanh-sạch-đẹp-an toàn, thu hút trẻ đến trường. Số trẻ học 2 buổi/ngày chiếm tỷ lệ 93%.
Giáo dục mầm non ở tỉnh Gia Lai trong những năm qua có tốc độ phát triển khá so với các tỉnh miền núi trên cả nước.  Ảnh: Nguyễn Giang
Giáo dục mầm non ở tỉnh Gia Lai trong những năm qua có tốc độ phát triển khá so với các tỉnh miền núi trên cả nước. Ảnh: Nguyễn Giang
Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục mầm non ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, năm học 2017-2018, trẻ em dân tộc thiểu số từ 0 đến 5 tuổi đến nhà trẻ, nhóm trẻ và lớp mẫu giáo chỉ đạt 41,7%; trong khi đó, trẻ ở độ tuổi 3-5 được đến lớp đạt gần 70%. Nhưng số trẻ học mầm non 2 buổi/ngày ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không nhiều và khó duy trì sĩ số, nhất là vào vụ mùa, các cháu thường theo cha mẹ lên rẫy. Đến nay, toàn tỉnh còn 5 xã, phường chưa có trường mầm non do chưa đủ điều kiện mở trường, đó là xã Chư Hdrông (TP. Pleiku), phường An Phước, An Tân (thị xã An Khê), phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa), xã Chư Jôr (huyện Chư Pah).
Để bậc học mầm non ở tỉnh ta phát triển đúng hướng và đạt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là đầu tư phủ kín giáo dục mầm non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trong những năm đến, chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể như: quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp, dự toán ngân sách đầu tư xây dựng, mua sắm trang-thiết bị, yêu cầu về nguồn nhân lực cho bậc học này, vì hầu hết các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều phải đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Hiện nay, theo số liệu báo cáo, toàn tỉnh thiếu trên 1.000 giáo viên Mầm non (chưa tính cô nuôi dạy trẻ). Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai lại chưa thể đáp ứng đào tạo đủ nhu cầu nếu tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ; số giáo sinh người dân tộc bản địa của bậc học Mầm non lại càng hiếm hoi. Trong khi đó, để phát triển giáo dục mầm non ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách tốt nhất là tuyển dụng chính giáo viên dân tộc bản địa. Như vậy, cần có sự vận động, khuyến khích các em học sinh dân tộc thiểu số vào học sư phạm ngành Giáo dục Mầm non để bổ sung kịp thời nguồn nhân lực này.
Giáo dục mầm non là tiền đề cho giáo dục phổ thông. Về chiến lược phát triển con người, việc nuôi dạy trẻ một cách khoa học từ lúc mới sinh (nhiều quốc gia còn quan tâm nuôi dạy trẻ từ khi còn trong bụng mẹ) là yêu cầu bắt buộc, vì đó là giai đoạn quan trọng hình thành các tố chất của trẻ.
Phát triển giáo dục phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai vốn khó khăn do tính đặc thù vùng miền và tập tục mỗi dân tộc khác nhau, nói chi đến giáo dục mầm non, việc phổ cập đến các buôn, làng là cả vấn đề không giản đơn. Bởi ngoài kinh phí và nhân lực còn phải vượt qua rào cản về nhận thức, tập quán của cộng đồng các dân tộc hiện nay. Để làm được việc này, không chỉ đơn phương ngành Giáo dục và Đào tạo mà cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị.
Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.