Đak Đoa: Quan tâm chăm lo nạn nhân chất độc da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù kinh phí vận động chưa nhiều nhưng với tinh thần, trách nhiệm, nghĩa tình, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đak Đoa (Gia Lai) luôn có những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên, nạn nhân da cam khó khăn trên địa bàn.
Đến nay, huyện Đak Đoa đã có 5/17 xã, thị trấn thành lập được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin với 200 hội viên. Trong số đó có 65 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 56 người là con (thế hệ thứ 2) được hưởng chế độ trợ cấp; số còn lại chưa được hưởng.
Ông Vũ Công Quyền-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đak Đoa-cho biết: Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống tại huyện Đak Đoa đã hồi sinh và phát triển nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn còn nặng nề. Không một xã, thị trấn của huyện nào không có người nhiễm chất độc da cam/dioxin; nhiều người là phụ nữ và trẻ em thuộc thế hệ thứ 3 bị dị dạng, dị tật, ung thư và nhiều bệnh nan y khác...
  Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đak Đoa đến thăm, tặng quà ông Nguyễn Ngọc Minh (ngoài cùng bên trái). Ảnh: N.N
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đak Đoa đến thăm, tặng quà ông Nguyễn Ngọc Minh (ngoài cùng bên trái). Ảnh: N.N
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống của nhiều hội viên đã phần nào ổn định. Tuy vậy, vẫn còn một số hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là những gia đình hội viên có tới 2, 3 thế hệ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Công tác chăm lo cho các đối tượng này luôn được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện quan tâm. Trong 3 năm (từ 2016 đến 2018), huyện Đak Đoa đã tổ chức nhiều đợt vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin với số tiền trên 150 triệu đồng. Từ số tiền quyên góp được, Hội đã xây dựng, hỗ trợ làm 5 căn nhà tình nghĩa trị giá 100 triệu đồng; số kinh phí còn lại dành để thăm hỏi nạn nhân ốm đau; vận động đưa hội viên đi xông hơi giải độc; thăm, tặng quà vào các dịp lễ, Tết…
Tháng 6-2017, căn nhà ván ọp ẹp, xuống cấp của gia đình bà Đinh Thị Thanh (làng Đi Prek, xã Ia Pết) được khởi công xây dựng mới. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ gia đình bà Thanh 50 triệu đồng. Chính quyền địa phương hỗ trợ thêm nhân lực, huy động người dân đóng góp thêm tiền giúp căn nhà nhanh chóng hoàn thành. “Nếu không có sự hỗ trợ của mọi người, gia đình tôi không thể có được căn nhà kiên cố như hiện nay”-bà Thanh xúc động chia sẻ.    
Đưa chúng tôi đến thăm nhà hội viên Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1940, trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Đak Đoa)-một trong những hội viên khó khăn sắp được hỗ trợ làm nhà tình nghĩa, ông Quyền thông tin: “Căn nhà ông Minh ở hiện đã xuống cấp. Mấy năm trước, Hội đã vận động ông làm nhà nhưng ông chưa đồng ý vì gia đình không có kinh phí để bù thêm. Nay ông Minh đã đủ điều kiện làm nhà nên Hội sẽ phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương chung tay. Ngoài 50 triệu đồng hiện có, Hội sẽ vận động, kêu gọi thêm để tiến hành xây dựng nhà cho ông Minh trong thời gian đến”.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ được làm từ năm 1993, ông Minh chia sẻ: Ông tham gia kháng chiến từ năm 1967, đóng quân ở khu 9 (nay thuộc huyện Mang Yang). Ông có 8 người con, mất 1 người còn 7; trong đó, có 2 con (thứ 6 và thứ 7) bị tật nguyền do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. 3 năm trở lại đây, 2 người con của ông nằm liệt giường, cả nhà phải thay phiên nhau chăm sóc. Bản thân ông không chỉ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin mà còn là thương binh 4/4, trong người có nhiều vết thương nên không có thu nhập ổn định. Các con ông đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, có người làm không đủ ăn. “Cũng muốn làm căn nhà cho tươm tất nhưng sợ kinh phí ít mà gia đình thì không có để bù thêm thì lỡ dở. Dù biết là sắp tới được hỗ trợ làm nhà nhưng tôi vẫn còn nhiều lo lắng lắm”-ông Minh tâm sự.
Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đak Đoa cho biết thêm: “Quan tâm chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin là nghĩa vụ và trách nhiệm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để huy động cao nhất sự ủng hộ của toàn xã hội, tiếp tục chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ các nạn nhân hòa nhập cộng đồng”.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.