Cán bộ xã "môi giới" lao động để hưởng hoa hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân huyện Kbang(Gia Lai) đang xem xét xử lý kỷ luật ông Đặng Văn Thảo-cán bộ Tư pháp xã Kon Pne do tự ý “môi giới” đưa người dân địa phương đi lao động tại tỉnh Bình Dương để hưởng hoa hồng. Đồng thời, UBND huyện cũng xem xét kiểm điểm đối với các cán bộ liên quan của xã Kon Pne vì thiếu giám sát, quản lý để xảy ra vụ việc này.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn xã Kon Pne xảy ra vụ việc phức tạp liên quan đến người dân địa phương đi lao động ở tỉnh Bình Dương. Trước tình hình đó, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc làm rõ để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.
Các cán bộ của xã Kon Pne đang bị xem xét kiểm điểm, kỷ luật. Ảnh: Văn Ngọc
Các cán bộ của xã Kon Pne đang bị xem xét kiểm điểm, kỷ luật. Ảnh: Văn Ngọc
Qua quá trình điều tra xác minh, Công an huyện Kbang xác định: Đầu tháng 6-2018, ông Đặng Văn Thảo-cán bộ Tư pháp xã Kon Pne đã trực tiếp đưa 17 lao động là người Bahnar trên địa bàn xã đi làm việc tại Khu Công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Trong 17 lao động này có một số người trong độ tuổi vị thành niên. Khi vào đến tỉnh Bình Dương, 17 người này được ký hợp đồng lao động trong thời hạn 3 tháng với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Công việc của các lao động này chủ yếu là phụ hồ cho các công trình xây dựng của Khu Công nghiệp Bàu Bàng.
Với mỗi hợp đồng ký kết, ông Thảo được hưởng 1 triệu đồng tiền môi giới. Bên cạnh đó, đơn vị ký hợp đồng cũng chuyển toàn bộ lương của 17 người vào tài khoản của ông Thảo để ông có trách nhiệm trả cho người lao động.
Trong quá trình làm việc tại Bình Dương, một số người đã bỏ về địa phương. Từ thông tin của những người này, UBND xã nắm được tình hình và yêu cầu ông Thảo đưa những người còn lại trở về. Tuy nhiên, ông Thảo đã không thực hiện vì lo ngại vi phạm hợp đồng. Do đó, khoảng tháng 8-2018, lãnh đạo UBND huyện Kbang cùng UBND xã Kon Pne đã phải vào tỉnh Bình Dương làm việc, thỏa thuận với doanh nghiệp để đưa người dân trở lại địa phương. Một số người lao động cho rằng ông Thảo đã “ăn chặn” số tiền lương mà doanh nghiệp trả cho họ.
Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, ông Thảo đã chi trả toàn bộ số tiền lương mà doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Bàu Bàng chuyển vào tài khoản cho các lao động mà ông môi giới. Bởi vậy, không có căn cứ để xác định hành vi chiếm đoạt tiền của ông Thảo.
Trao đổi với P.V về vụ việc này, ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: “Cán bộ Tư pháp xã rõ ràng đã mắc sai phạm. Đảng ủy, UBND xã cũng thiếu giám sát dẫn đến việc 17 người rời khỏi địa phương mà không hề hay biết. Hiện người dân đã trở về địa phương, ổn định cuộc sống. Còn với cán bộ có liên quan thì tùy vào mức độ vi phạm, UBND huyện sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo quy định”.
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.