Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu. Tuy nhiên, đến nay, công tác cấp GCNQSDĐ vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần có giải pháp tháo gỡ.
Mặc dù các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đầu tư kinh phí, nhân lực để thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ nhưng công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Chư Pah là huyện có tỷ lệ cấp GCNQSDĐ còn thấp, chỉ đạt 80%. Theo ông Hoàng Anh Tuệ-Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Pah-phần diện tích đất chưa được đăng ký, cấp GCNQSDĐ tại địa bàn huyện Chư Pah chủ yếu là đất giáp ranh đất rừng. Đối tượng sử dụng đất là người của huyện khác, tỉnh khác, gây khó trong việc đăng ký, kê khai cấp GCNQSDĐ. “Vướng mắc về ranh giới giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum nhiều năm nay là khó khăn đối với công tác kê khai, đăng ký tại địa bàn huyện Chư Pah. Theo quy định, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất. Tuy nhiên, người dân lại không đồng thuận”-ông Tuệ cho hay.
  Đo đạc, kiểm kê đất đai phục vụ công tác cấp GCNQSDĐ. Ảnh: N.T
Đo đạc, kiểm kê đất đai phục vụ công tác cấp GCNQSDĐ. Ảnh: N.T
Tương tự, công tác cấp GCNQSDĐ, chuyển mục đích quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, tặng cho, cấp đổi GCNQSDĐ tại huyện Chư Pưh cũng gặp không ít khó khăn. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã có 850 hồ sơ cấp mới GCNQSDĐ được giải quyết với tổng diện tích gần 4,6 triệu m2, đạt 74,3% về diện tích và 76,3% về số hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017. Ông Lê Việt Hưng-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh-cho biết: “Huyện có 51% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về Luật Đất đai của cán bộ cơ sở còn hạn chế, quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đầy đủ, hệ thống hồ sơ địa chính chưa được hoàn thiện... dẫn đến tỷ lệ cấp GCNQSDĐ chưa cao”.
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Minh Sở-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu thực trạng: “Không chỉ các huyện trên gặp khó khăn trong công tác cấp GCNQSDĐ mà toàn tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Nguyên nhân là do chưa lập được hồ sơ địa chính thống nhất, đồng bộ ở các cấp, cơ sở dữ liệu đất đai chưa được đầu tư đúng mức; bản đồ, hồ sơ địa chính chưa chỉnh lý biến động thường xuyên, đồng bộ ở 3 cấp nên phần lớn đã lạc hậu so với hiện trạng, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác sử dụng”.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, 9 tháng năm 2018, công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu đạt 96,12% (tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2017) với diện tích 985.048,45 ha và 781.436 giấy chứng nhận. Trong đó, đối với tổ chức đạt 99,41% (tăng 0,36%) với diện tích 595.238,55 ha và 5.721 giấy; đối với hộ gia đình, cá nhân đạt 91,49% (tăng 2,5%) với diện tích 389.809,9 ha và 775.715 giấy chứng nhận.

Theo ông Sở, việc cấp GCNQSDĐ theo quy định hiện hành tùy thuộc vào nhu cầu của người dân, trong khi đó nhận thức của một số người sử dụng đất ở vùng sâu, vùng biên giới, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng người sử dụng đất vẫn không tiến hành kê khai, đăng ký theo quy định và việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng này còn gặp nhiều trở ngại.
Ngoài ra, một số địa phương chưa có giải pháp quyết liệt trong việc rà soát, xử lý các trường hợp tổ chức quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ, để bị lấn chiếm; các công trình đo đạc lập bản đồ địa chính phục vụ cấp giấy chứng nhận kéo dài so với phương án đã phê duyệt… cũng là những hạn chế khiến công tác cấp GCNQSDĐ của tỉnh còn chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai đo đạc bản đồ địa chính, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang-thiết bị, nhân lực để khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai. Ngành chức năng các địa phương tiến hành vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép chương trình phổ biến pháp luật về đất đai tại các buổi tiếp xúc cử tri; xuống tận thôn, làng để in, dán các tờ hướng dẫn, kê khai cấp GCNQSDĐ, giúp người dân nâng cao hơn nữa nhận thức trong việc đăng ký, kê khai cấp GCNQSDĐ.
Đề cập một số giải pháp trong thời gian tới, ông Huỳnh Minh Sở nhấn mạnh: “Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường thanh-kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong các hoạt động đo đạc, bản đồ và hồ sơ địa chính, sử dụng đất không đúng mục đích, kém hiệu quả… nhằm tăng hiệu quả quản lý. Kiên quyết xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm trong quá trình thụ lý hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Đồng thời, đảm bảo kịp thời giải quyết nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản khi thực hiện các giao dịch”. 
Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.