Tín hiệu vui từ trường bán trú Đak Jơ Ta

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học 2018-2019, Phòng Giáo dục và Đào đạo (GD-ĐT) huyện Mang Yang, Gia Lai lần đầu tiên xây dựng mô hình bán trú dựa vào nguồn kinh phí xã hội hóa tại Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta (xã Đak Jơ Ta). Đây là một trong những giải pháp duy trì sĩ số học sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy-học tại xã đặc biệt khó khăn này.
Học sinh hưởng lợi
Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta mới được sáp nhập trong năm học 2018-2019. Trường có hơn 531 học sinh, trong đó có gần 80% là học sinh dân tộc thiểu số. Tỷ lệ duy trì sĩ số hàng năm ở bậc THCS đạt thấp, có thời điểm chỉ khoảng 50%-60%. Đặc biệt, nhiều năm qua, việc duy trì sĩ số học sinh ở làng Đê Btưk luôn là vấn đề gian nan. Đây là làng đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo lên đến 80%. Làng cách trường 5 km, phụ huynh chưa coi trọng việc học của con em, các em ăn không đủ no... là những lý do khiến học sinh thường xuyên nghỉ học. Nhận thấy phải nhanh chóng có giải pháp giúp học sinh cũng như người dân ngôi làng này nâng cao ý thức về học tập, lao động, Phòng GD-ĐT huyện Mang Yang triển khai mô hình bán trú với nhiều giai đoạn, mang lại lợi ích cho học sinh.
  Học sinh bán trú Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta phụ các cô nấu ăn trong giờ ra chơi. Ảnh: N.G
Học sinh bán trú Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta phụ các cô nấu ăn trong giờ ra chơi. Ảnh: N.G
Sau hơn 2 tuần học bán trú tại trường, 24 học sinh của làng Đê Btưk (19 em) và làng Bông Pim (5 em) đã dần đi vào nền nếp và yêu thích việc học hơn trước. Trong số này, em Thoại (lớp 9) được thầy cô đánh giá là tiến bộ nhanh nhất trong sinh hoạt và học tập. Thoại thường hướng dẫn các bạn dọn dẹp giường, phòng ngủ sau khi thức dậy; phân công các nhóm vệ sinh sân trường, nhà ăn, rửa chén bát... Thoại nói: “Chúng em ở lại trường từ thứ hai đến thứ sáu, được ăn cơm ngày 3 bữa, được ngủ trưa. Mới đầu, em và nhiều bạn khác thấy nhớ nhà nhưng giờ quen rồi. Ở lại trường chúng em có nhiều cái lợi. Cái gì chưa biết, không biết thì đã có thầy cô chỉ dạy, buổi tối được ôn bài kỹ càng để hôm sau tự tin vào lớp”.
Việc được thầy cô ôn bài vào buổi tối có ý nghĩa rất lớn với các em. “Lúc trước, sau khi đi học về, em thường đi chơi, đi lên rẫy với bố mẹ. Buổi tối ăn xong thì đi ngủ, không biết ôn bài. Nếu bị thầy cô hỏi bài cũ, em không biết trả lời nên rất sợ phải đi học. Bây giờ được thầy cô hướng dẫn học thuộc bài cũ, làm bài tập, chuẩn bị bài mới nên em không còn sợ đi học nữa”-em Liên (lớp 7B) nói. Không những thế, 24 học sinh bán trú ở đây còn được tạo nhiều sân chơi văn nghệ, thể thao bổ ích, trồng rau cải thiện bữa ăn vào buổi chiều. Được ăn no, được lao động, sinh hoạt lành mạnh và được thầy cô quan tâm sâu sát tới việc học, 24 học sinh bán trú tại trường đã dần quen với môi trường mới, có sức khỏe tốt và ngày càng ham thích việc học.
Hướng đến mở rộng mô hình bán trú xã hội hóa

Ông Hồ Văn Diệp-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mang Yang: “Mô hình bán trú tại Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta được chúng tôi chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2018 đến 2020, ổn định nhu cầu bán trú cho 24 học sinh; từ năm 2020 trở đi, mở rộng mô hình này để toàn bộ học sinh làng Đê Btưk được học bán trú (khoảng 50 học sinh). Nếu thành công, Phòng GD-ĐT sẽ tham mưu UBND huyện tiếp tục phát triển mô hình này cho học sinh tại những làng khó khăn”.

Sau một thời gian ngắn triển khai mô hình bán trú, kết quả bước đầu mà Trường Tiểu học và THCS Đak Jơ Ta thu được là tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần từ 75% trong năm học trước đã được nâng lên thành 85% trong năm học này. Thầy Nguyễn Văn Thuật-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Đặc biệt, học sinh làng Đê Btưk đã đi học chuyên cần hơn, bởi những em có hoàn cảnh khó khăn nhất đã được ăn ở, học tập bán trú. Học sinh của làng này cũng đều được cấp xe đạp để đến trường ngay trong ngày khai giảng. Tuy nhiên, vẫn còn một số học sinh nghỉ học nên chúng tôi mong muốn mở rộng mô hình bán trú để có thêm nhiều em được học tập, góp phần duy trì sĩ số học sinh”.
Nâng cao chất lượng giáo dục là điều cần thiết, nhưng trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm của ngôi trường vùng khó này là nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần. Vì vậy, với sự quyết tâm chung, tập thể sư phạm nhà trường đã chung tay nuôi dạy học sinh dù không có bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Cô Vũ Thị Bắc nói: “Chúng tôi được phân công trực 1 đêm/tuần để giúp các em ôn bài mỗi tối. Tuy vất vả nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng”. Còn với cô Lê Thị Ngọc Lan, nhân viên văn phòng kiêm đầu bếp, để lo cho các em những bữa ăn chất lượng, cô phải thức dậy từ 5 giờ sáng đi chợ, sắp xếp công việc để nấu nướng, phục vụ, giúp các em gắn bó với con chữ.
Trao đổi cùng P.V, ông Hồ Văn Diệp-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mang Yang-cho biết: “Bước đầu, mô hình đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương nên chúng tôi có nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện. Hiện nay, UBND huyện đã cấp 60 triệu đồng tiền ăn, ở bán trú năm đầu cho 24 học sinh; Trại giam Gia Trung, Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 3) hỗ trợ gạo, vật liệu, ngày công để xây dựng các công trình cần thiết khác. Về lâu dài, chúng tôi sẽ huy động nguồn xã hội hóa, mở rộng mô hình để có thêm nhiều học sinh được hưởng lợi”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.