Chư Pah đẩy lùi hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tổ chức ma chay, cưới hỏi kéo dài, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... là những tập tục lạc hậu đã ăn sâu trong đời sống, sinh hoạt của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, việc đẩy lùi hủ tục, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số đang được huyện Chư Pah quan tâm.
“Mưa dầm thấm lâu”
Mới đây, tại nhà rông văn hóa làng Or (xã Ia Phí), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện và Phòng Tư pháp tổ chức buổi tuyên truyền xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Người dân làng Or và già làng, trưởng thôn trên địa bàn xã được cán bộ phân tích về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tác hại của việc tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình, kéo dài gây lãng phí tiền bạc, công sức, thời gian, sức khỏe... Với cách thức linh hoạt, khéo léo lồng ghép những dẫn chứng sát với tình hình địa phương, buổi tuyên truyền đã tạo được sự đồng tình từ phía bà con. Tại đây, Công an huyện còn lồng ghép tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ; MTTQ và các đoàn thể của xã chia sẻ những thông tin liên quan đến việc thực hiện cưới hỏi đúng độ tuổi, làm giấy khai sinh theo quy định của pháp luật, ăn uống đảm bảo vệ sinh, nuôi con khỏe dạy con ngoan, lợi ích khi vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội...
  Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đinh Yến
Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đinh Yến
Trò chuyện với P.V, ông Rơ Châm Cúc-Trưởng thôn Or-cho biết: Nhiều năm trước, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tổ chức tang ma dài ngày, mê tín dị đoan, chữa bệnh bằng cách cúng bái, ốm đau không đến trạm y tế... xảy ra phổ biến. Đó là một trong những lý do khiến Ia Phí luôn là xã đặc biệt khó khăn. Còn anh Rơ Câm Phyút-Tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội làng Or-kể: “Trước đây, mỗi khi có cưới hỏi là cả làng nghỉ làm hàng tuần để chung vui. Còn tang ma cũng vậy, khi làng có người chết, bà con đến chia buồn ai cũng phải mang theo gạo, rượu, gà, heo... để góp. Gia đình có tang ma nếu không có kinh phí tổ chức thì phải vay mượn khắp nơi hoặc ký nợ, vay nặng lãi ở các đại lý thu mua nông sản. Sau đó là chuỗi ngày nai lưng ra trả nợ, bán mì, bắp, lúa giá rẻ để trừ nợ. Nghèo đói vì vậy cứ dai dẳng bám lấy năm này qua năm khác”. 
Bà Phạm Thị Thúy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pah-chia sẻ: “Chúng tôi xác định, thay đổi tập quán của bà con không thể là việc ngày một ngày hai mà vấn đề cốt lõi và trước tiên là cần làm chuyển biến nhận thức. Vì vậy, các cấp Hội đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho bà con về hậu quả do tập tục lạc hậu gây ra, từ đó lựa chọn nếp sống, nếp sinh hoạt phù hợp, đúng đắn”. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Hội LHPN và Phòng Tư pháp huyện đã thực hiện 6 buổi tuyên truyền đẩy lùi tập tục lạc hậu bằng phương châm “mưa dầm thấm lâu” tại một số xã như: Ia Phí, Ia Ka, Hà Tây... để bà con tự giác chấm dứt, xóa bỏ.
“Cán bộ đi trước, làng nước theo sau” 
Cùng với  đa dạng hình thức tuyên truyền, thực hiện “mưa dầm thấm lâu” thì việc nêu cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng. Ông Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah-cho biết: “Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”  và “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các tổ chức đã nêu cao vai trò, tính gương mẫu, sửa đổi lề lối làm việc để gần dân, sâu sát cơ sở. Nhiều cán bộ, đảng viên đã đi đầu thực hiện xóa bỏ hủ tục, tích cực xóa đói giảm nghèo. Một số hội, đoàn thể đã có nhiều việc làm thiết thực nhằm xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số”.
Hội LHPN huyện và các xã còn vận dụng tập quán truyền thống của bà con để đẩy lùi hủ tục. Chủ tịch Hội LHPN huyện Phạm Thị Thúy cho hay: “Thông qua công tác phối hợp giữa các cấp Hội với các cơ quan, ban, ngành, chúng tôi đã vận dụng đặc trưng của chế độ mẫu hệ để tập trung thuyết phục, tuyên truyền “người chủ trong gia đình”. Nhờ đó, một số tập tục lạc hậu đã dần được loại bỏ”.
Xã Ia Phí cũng có cách làm hay khi phát huy được vai trò người uy tín. Ông Rơ Châm Hail-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Phí là người có uy tín trong vùng nên đã đi đầu xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ma chay, thách cưới, phạt vạ bằng việc vận động anh chị em trong gia đình thực hiện trước, sau đó mới thuyết phục họ hàng, dân làng. “Tôi tuyên truyền bà con khi trong làng có người chết thì chỉ nên đến chia buồn, phúng viếng chứ không mang theo thức ăn, đồ uống. Bên cạnh đó, nhiều hộ trong làng cũng đã nghe theo mà bỏ hủ tục thách cưới”-ông Hail nói.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.