Mưu sinh ngày hè ở phố núi Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa hè, trong khi hầu hết trẻ em đều được nghỉ ngơi, vui chơi bên gia đình thì có những em nhỏ vẫn phải vượt hàng ngàn cây số theo cha mẹ mưu sinh. Nhìn bước chân nhỏ bé của các em ngày ngày rong ruổi trên đường bán từng bịch bắp rang, khó ai có thể cầm lòng. 
  Hai anh em Trần Văn Thành mời khách mua bắp rang bơ.                      Ảnh: A.N
Hai anh em Trần Văn Thành mời khách mua bắp rang bơ. Ảnh: An Nguyên
14 tuổi nhưng em Trần Văn Thành đã có thâm niên 4 năm theo nghề bán hàng rong. Thành bảo, cứ kết thúc năm học, 4 chị em lại gói ghém quần áo, tạm biệt bà ngoại và đón xe khách từ Thanh Hóa vào Gia Lai với mẹ. Bố mất khi Thành mới 8 tuổi, một mình mẹ ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với mấy sào ruộng vẫn không đủ nuôi chị em Thành ăn học. Sau cùng, mẹ Thành đành phải gửi 4 chị em cho bà ngoại đã gần 70 tuổi để vào Gia Lai mưu sinh. Vì vậy, mấy tháng hè với chị em Thành không chỉ là thời gian kiếm thêm thu nhập để nuôi tiếp ước mơ đến trường mà còn là dịp hiếm hoi trong năm để được sống gần mẹ. “Mỗi năm, tụi em chỉ được gặp mẹ vài lần, mỗi lần cũng chỉ vài ngày vì mẹ còn phải đi làm kiếm tiền”-Thành nói. Hàng ngày, Thành cùng cậu em trai Trần Văn Năng (học lớp 5) rong ruổi hết quán cà phê này sang quán ăn sáng khác để bán bắp rang bơ. Còn mẹ, chị gái cùng cậu em trai út thì bán kẹo bông gòn, đồ chơi ở khu vực cổng chợ, quảng trường... “Mỗi ngày, hai anh em bán được khoảng 30 bịch bắp rang bơ (10 ngàn đồng/bịch). Em cũng không nhớ mỗi ngày mình đi bao nhiêu cây số nữa nhưng mệt lắm, tối về hai chân đau nhức suốt”-Năng kể.
Cũng như chị em Thành, cậu bé Đặng Văn Vũ (học lớp 8) cũng phải gác lại những tháng hè vui chơi cùng bạn bè để theo cha mẹ, các anh chị từ Thanh Hóa vào Gia Lai mưu sinh. Vũ trải lòng: “Đây là mùa hè thứ 3 em theo cha mẹ đi bán hàng rong. Hai năm trước, em còn nhỏ, chưa thông thạo đường phố nên chỉ đi theo mẹ ra khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) bán đồ chơi. Năm nay, mẹ cho em một mình đi bán nhưng chỉ đi quanh các quán cà phê, quán ăn sáng gần khu vực nhà trọ”. Theo lời kể của Vũ, ngôi nhà trọ em đang ở ngoài 6 người trong gia đình còn có thêm vài người bà con và con cái của họ cũng từ ngoài quê vào làm thêm dịp hè, người thì bán bóng bay, người bán chả cá viên chiên, kẹo bông gòn... “Em và các anh chị chỉ bán đến ngày 20-8 là nghỉ để về quê chuẩn bị sách vở cho năm học mới, còn cha mẹ tiếp tục ở lại”-Vũ chia sẻ.
... Nhìn các em với quần đùi, áo khoác phong phanh, dép lê rảo bước trên khắp các nẻo đường trong mưa nắng, tôi chợt thấy chạnh lòng! Đáng lẽ, mùa hè của các em phải là khoảng thời gian vui chơi thỏa thích bên bạn bè, gia đình, người thân chứ không phải nhọc nhằn mưu sinh cơm áo gạo tiền ở một vùng đất xa xôi, lạ lẫm. Tôi hỏi: “Nghỉ hè không được mẹ dẫn đi chơi, em có buồn không?”, em Trần Văn Năng trả lời: “Nhờ mấy tháng hè, tụi em mới được sống gần bên mẹ”. Câu trả lời hồn nhiên của Năng cứ khiến lòng tôi trĩu nặng. 
An Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.