Cựu chiến binh vượt khó làm giàu trên biên giới Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với người dân xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai), cựu chiến binh Vi Văn Hụy là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ xay xát lúa.
Gặp tôi tại Đại hội Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi cấp tỉnh mới đây, ông Hụy tự hào: “Tôi là hội viên duy nhất đại diện cho xã tham gia đại hội đấy!”. Gần bước qua tuổi 60, song ngày ngày ông Hụy vẫn một mình cáng đáng hết mọi công việc trong gia đình, từ chăm sóc vườn điều rộng 3 ha, quản lý nhà máy xay xát lúa gạo đến chăn nuôi đàn heo rừng. Ông trải lòng: “Vợ tôi đau ốm suốt, còn 3 đứa con đều đang học trong TP. Hồ Chí Minh. Hai đứa lớn học Đại học An ninh, đứa út học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn”.
  Cựu chiến binh Vi Văn Hụy. Ảnh: A.H
Cựu chiến binh Vi Văn Hụy. Ảnh: A.H
30 năm trước, ông Hụy rời quê hương Quan Sơn (Thanh Hóa) theo chị gái vào Gia Lai làm công nhân cầu đường. Tại đây, ông gặp và cưới bà Rơ Châm Plen (người Jrai) làm vợ, rồi định cư luôn tại quê vợ (làng Dăng, xã Ia O) cho đến nay. Được bố mẹ vợ chia cho 5 ha đất sản xuất, vợ chồng ông bắt tay vào trồng lúa, mì như bao hộ dân trong làng nhưng do thiếu kiến thức, kỹ thuật, phân bón nên năng suất cây trồng không cao. Quyết không chịu khuất phục trước khó khăn, ông Hụy tìm gặp bạn bè, cán bộ Đồn Biên phòng Ia O để học hỏi kinh nghiệm và nhờ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Năm 1994, ông mạnh dạn ươm giống cây điều rồi trồng trên diện tích 3 ha. 2 ha đất sản xuất còn lại, ông mua giống cà phê, cây ăn quả về trồng. “Mình là người tiên phong trong làng, trong xã trồng cây công nghiệp kết hợp cây ăn quả (dứa, chuối...) đấy!”-ông Hụy cười nói. Thời gian đầu, do chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật nên ông Hụy chỉ thu về 50 triệu đồng/ha điều/năm. Rút kinh nghiệm, những năm sau, ông tiến hành chăm sóc, bón phân đúng thời điểm. Năng suất cây điều nhờ đó tăng lên rõ rệt, mỗi năm ông thu về 90 triệu đồng/ha. Riêng 2 ha cà phê, cây ăn quả của gia đình ông giờ không còn nữa do nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện.
Sống ở làng, mỗi ngày đều chứng kiến cảnh người dân vất vả giã từng cối thóc để có gạo ăn, ông Hụy bàn với vợ mua máy xay xát lúa, vừa giải quyết nhu cầu cho gia đình, vừa phục vụ bà con trong làng. Hơn 20 năm qua, cơ sở xay xát lúa gạo của gia đình ông Hụy trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ của bà con làng Dăng mà cả những làng lân cận. Ông Ksor Đi-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia O-khẳng định: “Cựu chiến binh Vi Văn Hụy là một người khá nhanh nhạy trong phát triển kinh tế”. Thật vậy! Nhận thấy thị trường rất ưa chuộng thịt heo rừng nên vài năm trở lại đây, ông Hụy đã dành riêng một khu đất trống để nuôi loại động vật này. “Mỗi năm, tôi nuôi 2 lứa, mỗi lứa khoảng 60 con. Thức ăn cho heo chủ yếu là bắp, chuối nên thịt rất thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng”-ông Hụy cho biết. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Hụy thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ xay xát lúa.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia O nhấn mạnh, trong 185 hội viên cựu chiến binh của xã, ông Hụy là một trong những người sản xuất kinh doanh giỏi nhất. Đối với các phong trào, công tác Hội tại địa phương, ông luôn nhiệt tình tham gia, đóng góp và tích cực giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Cách đây hơn 10 năm, ông Hụy đã nhận giúp đỡ vợ chồng bà Rơ Châm Kle (bị tàn tật, ở làng Dăng) đến suốt đời. Bên cạnh việc giúp giống cây điều và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để gia đình có nguồn thu, ông Hụy còn giúp vợ chồng bà Kle thuốc men mỗi khi đau ốm. Ngoài ra, ông còn cho hội viên Ksor HDuynh vay 40 triệu đồng làm nhà không tính lãi. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, ông đều dành một phần kinh phí mua quà giúp đỡ cho 5 hộ nghèo neo đơn trong làng để giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn.
Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.