Gia Lai: Nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, tỉnh ta xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 1.395 lao động đi làm việc có thời hạn tại các nước: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Đài Loan, Lào, Campuchia…

Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Năm 2017, Sở đã thẩm định và giới thiệu 13 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ về các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong số này, có 5 doanh nghiệp phối hợp trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh để tuyển chọn lao động. Nhờ vậy, công tác tư vấn, thông tin về XKLĐ được nhiều lao động biết và tham gia, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo trên địa bàn.

 

Lao động ở huyện Kbang (bên phải) đang giúp việc cho một gia đình ở Ả Rập Xê Út. Ảnh: Đ.Y
Lao động ở huyện Kbang (bên phải) đang giúp việc cho một gia đình ở Ả Rập Xê Út. Ảnh: Đ.Y

Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế (Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và Thương mại du lịch) là đơn vị có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Ông Đỗ Trọng Thắng-Giám đốc Trung tâm, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, đơn vị được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội mời trực tiếp tham gia công tác XKLĐ. Nhiệm vụ chính của đơn vị là đưa chuyên gia và người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Chúng tôi đã đưa được 19 lao động tỉnh Gia Lai đi làm việc có thời hạn tại 2 thị trường truyền thống là Nhật Bản và Ả Rập Xê Út. Hiện còn 20 lao động trên địa bàn tỉnh đang học tiếng Nhật và giáo dục định hướng tại trụ sở chính Công ty ở quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Riêng đi làm việc có thời hạn tại thị trường Ả Rập Xê Út, người lao động không tốn bất kỳ khoản chi phí nào trong thời gian học tiếng, giáo dục định hướng, làm visa xuất nhập cảnh. Trước khi người lao động sang Ả Rập Xê Út làm việc, gia đình còn được đơn vị XKLĐ hỗ trợ 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống mà không phải trừ vào lương.    

Là thân nhân người đi XKLĐ được mời tham gia hội nghị đánh giá XKLĐ mới đây, bà Siu Phai (làng Greo Pết, xã Dun, huyện Chư Sê) cho biết: “Từ tháng 2-2018, gia đình mình có 5 người thân đăng ký đi XKLĐ tại thị trường Ả Rập Xê Út. Đến nay, người thân đã gửi được 3 tháng lương về nhà, trung bình mỗi người gửi gần 30 triệu đồng. Nhờ số tiền này, gia đình đã trả được nợ, sửa chữa lại nhà ở, cuộc sống không còn khó khăn như trước”.

Những năm qua, huyện Đak Đoa là địa phương thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ông Nguyễn Đức Hòa-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, cho biết, huyện đã tích cực phối hợp các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giới thiệu về tuyên truyền, tư vấn cho người lao động tham gia. Nhờ đó, đến nay, huyện Đak Đoa đã có 11 người đi XKLĐ. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy vai trò của từng ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo một quy trình chặt chẽ, công khai.

Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 25.000 lao động, trong đó đưa 1.400 người đi XKLĐ. “Để hoàn thành chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển chọn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp XKLĐ được Sở giới thiệu về cơ sở cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Sở tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp lao động vay vốn. Đồng thời, tăng cường công tác xác minh, kiểm tra, lựa chọn các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi XKLĐ có uy tín; kiến nghị đình chỉ các doanh nghiệp vi phạm hợp đồng và các quy định của Nhà nước để đảm bảo quyền, lợi ích cho người đi XKLĐ”-bà Trần Thị Hoài Thanh nhấn mạnh.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.