Kỳ cuối: Bồi đắp tình yêu hội họa cho học trò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc bán được tranh là không dễ, ngay cả với những họa sĩ chuyên nghiệp. Thế nhưng, cô giáo dạy mỹ thuật Mai Thị Kim Uyên (Trường Tiểu học Đak Yă, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) đã làm nên “kỳ tích” khi hỗ trợ học trò vùng khó bán được tranh tại TP. Hồ Chí Minh.

Khi yêu thương dẫn lối

Nhớ lại những ngày đầu đi dạy cách đây 9 năm, cô Uyên vẫn chưa quên cảm giác mệt mỏi và mất phương hướng chỉ bởi việc sử dụng sai phương pháp giảng dạy và sai cả trong suy nghĩ. Cô thừa nhận: “Tôi đã từng ngần ngại trước học trò vì trông các em không xinh xắn như tôi tưởng tượng lúc bắt đầu đi dạy. Tôi bắt các em chuẩn bị đồ dùng học tập thật đầy đủ, bắt các em chăm học, bắt các em trật tự..., nhưng tất cả đều thất bại. Tôi chán nản, hoàn toàn không tìm được lối ra”.

 
Cô Uyên hướng dẫn học sinh trong một tiết học ký họa.                                     Ảnh: N.G
Cô Uyên hướng dẫn học sinh trong một tiết học ký họa. Ảnh: N.G

Trong lúc đang mất phương hướng, không tìm thấy niềm vui trong công việc, cô Uyên bắt gặp một hình ảnh rất đẹp qua ô cửa sổ của một lớp học và cho đến giờ hình ảnh ấy vẫn khắc sâu trong tâm trí cô. Đó là một ngày tình cờ, cô thấy cô Lý-một giáo viên lâu năm trong trường-ngồi trên bậc thềm lớp học ở làng cẩn thận may vá, cắt lai, đơm cúc lại cho những chiếc quần áo cũ. Lâu lâu, cô gọi vài học trò vào ướm thử rồi mặc cho chúng.

Cô Lý còn ôm học sinh vào lòng như một người mẹ. Hình ảnh ấy đã làm cô giáo trẻ thật sự xúc động. Cô Uyên còn để ý thấy những tiết học của cô Lý học trò rất ngoan, mỗi khi cô Lý về, chúng còn chạy theo chào và dặn cô đi cẩn thận. Tất cả những điều đó đã khiến cô Uyên phải tự nhìn lại. “Sau đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và nhận ra vấn đề là ở mình. Học sinh tiểu học là những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu, luôn dễ dàng bị cuốn hút bởi những điều hấp dẫn, thú vị. Tôi quyết định phải thay đổi để biến những tiết học vẽ thành buổi vui chơi cùng mỹ thuật”-cô Uyên kể lại.

Không những thế, cô còn học cách quan tâm đến học sinh, tìm hiểu mọi thứ từ tính cách đến hoàn cảnh của các em để dễ dàng cảm thông, chia sẻ. Và, không biết tự bao giờ, cô Uyên đã yêu ánh mắt, nụ cười và cả sự ngây ngô, ương bướng của học trò. “Kể từ đó đến nay, tiết học Mỹ thuật của cô Uyên được lũ trẻ mong chờ nhất”-cô Đoàn Thị Kim Thoan-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đak Yă, nói. Còn với cô Uyên, tình cảm mà hôm nay học trò dành cho là niềm hạnh phúc diệu kỳ mà trước đây cô chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ có được.

 

Ảnh: N.G
Ảnh: N.G

Thành quả đến từ sự thay đổi

Là người cầu tiến, cô giáo Uyên luôn mong muốn tìm tòi những phương pháp giảng dạy thật sự cuốn hút, hiệu quả đối với học sinh. Đúng lúc đang khát khao thay đổi thì cô được tiếp cận với phương pháp dạy Mỹ thuật của Đan Mạch do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào áp dụng. Nói về phương pháp học Mỹ thuật mới, cô Uyên bày tỏ: “Bản thân tôi rất thích sự thay đổi ấy vì học sinh không bị gò bó, cá tính và khả năng của từng em được tôn trọng. Tuy nhiên, có một trở ngại cho học trò vùng khó khi áp dụng cách học mới là sẽ phải tốn rất nhiều họa phẩm, mà học sinh của tôi hơn một nửa trong tổng số 450 em là người dân tộc thiểu số”.

Để học sinh có đủ họa phẩm cho mỗi bài học, cô Uyên đến các cơ quan xin giấy A3, A4 đã sử dụng một mặt để về cho học sinh vẽ, gom báo cũ để các em làm nền cho những bức tranh cắt dán. Những vật dụng khác như: cọ vẽ, màu tô... thì cô lại bỏ tiền ra mua cho các em. “Từ khi thay đổi phương pháp học, các em rất say mê và tác phẩm của các em khiến tôi thích thú”-cô Uyên kể. Thế nhưng, qua vài năm, cô nhận ra cứ đi xin hoài không ổn, sẽ hình thành sự ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác đối với học sinh.

Vì vậy, cô nảy ra sáng kiến sẽ giúp học trò bán tranh để có chi phí mua họa phẩm. Do thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực hội họa, cô Uyên có điều kiện để giới thiệu tranh của học trò. Nhiều bức tranh như: Tĩnh vật hoa hồng, Chúng em với hoa dại Tây Nguyên, Bộ đội về làng, Mùa xuân trở lại, Thành phố của chúng em, Những chiếc lá, Cuộc hẹn của những chú chó... đã được cô Uyên chụp hình lại, gặp gỡ nhiều người để giới thiệu, xin ý kiến và thật bất ngờ khi được ủng hộ mạnh mẽ cả về vật chất lẫn tinh thần. Công đoàn Sở Giao thông-Vận tải đã gửi tặng cô trò 50 khung tranh, rất nhiều người gửi báo, giấy, họa phẩm để cô trò thực hiện các bức vẽ.

 

Ảnh: N.G
Ảnh: N.G

Đặc biệt, có 5 bức tranh của học trò cô Uyên đã được Công ty TNHH Hồ tiêu Việt tại TP. Hồ Chí Minh đặt mua với giá cao gấp nhiều lần số tiền họa phẩm mà cô trò đã bỏ ra. Đáng chú ý, năm 2017, cô Uyên đã đưa một học sinh của trường là em Phạm Hồ Quỳnh Chi tham gia cuộc thi vẽ tranh “Gia đình yêu thương” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức. Kết quả, học trò của cô đã xuất sắc giành giải nhì toàn tỉnh, không có giải nhất.

Là người thường xuyên được cô Uyên chia sẻ những bức tranh của học trò, nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã không tiếc lời khen ngợi: “Nếu không được Uyên giới thiệu đó là tranh của học trò thì tôi đã nghĩ đó là tranh của một họa sĩ nào đó bởi tính nghệ thuật trong từng tác phẩm. Điều này thể hiện tâm huyết của người giáo viên khi khai thác được khả năng và đồng hành với các em để tạo nên những tác phẩm tranh tuyệt đẹp mà khó có thể ngờ là đến từ bàn tay nhỏ nhắn của những cô cậu học trò tiểu học vùng khó”.  

Hiện cô Uyên và các học trò của mình đang cùng nhau chuẩn bị cho kế hoạch triển lãm tranh tại trường vào cuối năm học này. “Số tiền thu được từ buổi triển lãm, đấu giá tranh của học sinh sẽ được đưa vào quỹ mua họa cụ và giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn”-cô Uyên cho biết.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.