Đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế hay tìm học những ngành nghề xã hội đang cần là xu thế tất yếu. Đây không chỉ là cơ sở hướng nghiệp đúng đắn cho các em học sinh mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại của các trường dạy nghề hiện nay.

Lãng phí vì định hướng sai

Dù đã tốt nghiệp Khoa Sử-Địa (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) từ năm 2013 nhưng đến nay,  anh A Lân (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) vẫn không xin được việc làm phù hợp. “Loay hoay kiếm sống đủ nghề, cuối cùng tôi mở quán bán bún cua ngay tại xã. Nếu biết trước vậy, tôi học nghề nấu ăn từ đầu thì đâu lãng phí thời gian và tiền bạc mấy năm trời”-anh A Lân chia sẻ.

 

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp may thời trang. Ảnh: L.L
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp may thời trang. Ảnh: L.L

Giống như anh A Lân, anh Phan Ngọc Dẫn (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cũng cảm thấy hối tiếc vì mất nhiều năm theo học ngành Tài chính nhưng khi ra trường lại làm một công việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn, đó là nghề đóng giày. “Xin mãi không được việc nên tôi chuyển sang học nghề của cha, theo nghiệp sản xuất kinh doanh giày dép của gia đình”-anh Dẫn tâm sự.

Vì định hướng không phù hợp hoặc vì nhiều lý do khách quan nào đó, rất nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Việc đào tạo ngành nghề không hợp lý dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hoặc sinh viên khi ra trường đi làm trái ngành phải đào tạo lại… gây lãng phí khá lớn cho xã hội. Chính vì vậy, làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp hay định hướng phân luồng cho học sinh để các em xác định rõ việc chọn trường, chọn nghề phù hợp với sở thích, khả năng và nhu cầu xã hội là vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Đào tạo theo nhu cầu

Xuất phát từ thực tế đó, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai đã tổ chức đào tạo thêm một số ngành nghề phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, xác định đây là hướng đi mới trong công tác đào tạo nghề của đơn vị. Theo thầy Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, năm 2017, Trường thí điểm khai giảng 2 lớp đào tạo nghề chế biến món ăn và nghề may thời trang. Đây là những nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của người học và xã hội,  đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn.

“Thấy quán ngày càng đông khách và nhận ra đây là công việc phù hợp với khả năng, sở thích của mình, vậy là tôi chuyển hướng không theo đuổi ngành Sư phạm nữa mà “chốt” luôn nghề này. Đúng thời điểm Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai mở lớp dạy nấu ăn nên tôi đã đăng ký học với hy vọng sau này có thể mở một nhà hàng lưu động phục vụ tiệc cưới hoặc sinh nhật”-anh A Lân giải thích lý do theo học lớp chế biến món ăn của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Còn với chị Y Xia (huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) thì được theo học lớp may là một cơ hội may mắn. “Được học nghề mình yêu thích khiến tôi rất vui. Học xong, tôi có thể đi làm thuê hoặc mở tiệm. Đặc biệt, học ở Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai có nhiều thuận lợi vì không những không phải đóng học phí, ở ký túc xá miễn phí mà tôi còn được hỗ trợ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, đủ để chi phí ăn uống, sinh hoạt”-chị Y Xia phấn khởi cho biết.

Theo cô Dương Thị Ngọc Linh-giáo viên lớp chế biến món ăn Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, nghề chế biến món ăn đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Đây là một trong những nghề có nhu cầu tuyển dụng cao và dễ kiếm việc làm. Hiện nay, hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn ngày càng mở rộng, đem đến những cơ hội lớn về việc làm, cơ hội kinh doanh cho các bạn trẻ khi theo học nghề này. “Trong thời gian tham gia khóa học (13 tháng), các em sẽ được học cách chế biến món ăn gia đình, món ăn tiệc, món bánh… Hiện nay, du lịch ngày càng phát triển. Ở các khu du lịch hay tại các nhà hàng, nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nên khả năng các em học xong ra xin được việc rất cao. Ngoài làm đầu bếp cho các nhà hàng thì các em có thể tự mở dịch vụ nấu tiệc hoặc mở những tiệm bánh nhỏ…”-cô Linh cho biết.

 

Tham gia các khóa đào tạo nghề, các học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: miễn học phí, ở ký túc xá miễn phí. Ngoài ra, hàng tháng, mỗi học sinh còn được hỗ trợ trên 1 triệu đồng để chi phí sinh hoạt, ăn uống...

Trao đổi với P.V, thầy Phạm Văn Điều cho biết thêm: “Dù là năm đầu tiên triển khai song những ngành này đã thu hút được khá đông học sinh theo học (sĩ số gần 30 học sinh/lớp). Vì vậy, trong thời gian tới, nhà trường sẽ mở thêm một số nghề nữa, nhất là những nghề có nhiều khả năng giúp các em tìm được việc làm tại địa phương ngay sau khi ra trường hoặc những nghề mà các em có thể tự mở cơ sở riêng, vừa xây dựng sự nghiệp cho mình sau này vừa có thể tạo việc làm cho nhiều người khác”.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.