Krông Pa: Tiềm ẩn nhiều rủi ro từ những cây cầu tạm qua sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được làm tạm từ những cây gỗ Bạch đàn hay gỗ tạp nhưng những cây cầu tạm bắt qua sông Ba trên địa bàn huyện Krông Pa hàng ngày vẫn thu hút cả ngàn lượt người qua lại. Điều này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho người dân khi đi qua những cây cầu này, đặc biệt là vào mùa mưa bão, nước lũ về đột ngột sẽ rất nguy hiểm. 
Do nhu cầu đi lại của người dân các xã phía Nam bên kia sông Ba khá cao nên một số hộ dân đã góp vốn tự xây dựng các cây cầu tạm này để kinh doanh cũng như phục vụ nhu cầu của người dân 2 bên sông Ba. Theo tìm hiểu của PV, trên địa huyện Krông Pa hiện có 5 cây cầu tạm bắt qua sông Ba, hầu hết các cây cầu này đều được làm từ gỗ cây Bạch đàn và gỗ tạp, có chiều dài khoảng 100 đến 300 m, chiều rộng khoảng 2 m. 
Hàng ngày có cả ngàn lượt người dân đi qua cây cầu tạm nối 2 xã Phú Cần và Ia Rmok. Ảnh:Q.T
Hàng ngày có cả ngàn lượt người dân đi qua cây cầu tạm nối 2 xã Phú Cần và Ia Rmok. Ảnh: Q.T
Trong đó, cây cầu tạm nối 2 xã Phú Cần và Ia Rmok có chiều dài khoảng hơn 100 m, do các hộ dân ở xã Phú Cần đóng góp làm nên để kinh doanh, mỗi lượt khách đi qua thu khoảng 5 đến 10 ngàn đồng. Mỗi ngày cây cầu tạm thô sơ này đón gần ngàn lượt người qua lại bất chấp nhiều nguy hiểm tiềm ẩn mỗi khi đi qua, dù trên địa bàn đã có cây cầu Phú Cần kiên cố nối trung tâm huyện với các xã bên kia sông. 
Quãng đường, thời gian đi lại được rút ngắn khá nhiều so với đi qua cầu Phú Cần nên khá nhiều người dân các xã bên kia sông, thậm chí là học sinh, cán bộ, giáo viên… đều chọn đi qua cây cầu tạm này. Anh Ksor Thim (buôn Blăk, xã Ia Rmok) cho biết: “Đi qua cầu tạm gần hơn nhiều so với đi qua cầu Phú Cần, vì phải đi đường vòng xa lắm, mất thời gian. Mùa nắng thì đi lại không sao, chỉ sợ vào mùa mưa, nước lũ về bất ngờ thôi”. 
Thực tế, trong mùa mưa lũ năm 2016, cây cầu tạm bắt qua sông Ba này đã 2 lần bị cuốn trôi do mưa lớn cộng với việc xả lũ của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Ba gây lũ lớn. Dù chưa có những tai nạn thương tâm từ những cây cầu này nhưng đây là hồi chuông cảnh báo cho người dân cũng như ngành chức năng, chính quyền địa phương với những ẩn họa từ các cây cầu này. 
Mùa mưa lũ năm 2016, nước lũ về lớn nên cây cầu đã 2 lần bị cuốn trôi. Ảnh: Q.T
Mùa mưa lũ năm 2016, nước lũ về lớn nên cây cầu đã 2 lần bị cuốn trôi. Ảnh: Q.T
Cô Nguyễn Thị Hồng (giáo viên Trường Tiểu học xã Ia Dreh) cho biết: “Trước đây, mình cũng thường đi dạy qua cây cầu tạm này vì nó rút ngắn được khá nhiều thời gian nhưng từ ngày thấy nước lũ hung dữ cuốn trôi cây cầu thì tôi không giám đi nữa. Bây giờ, mình chịu khó đi vòng qua cầu Phú Cần dù xa hơn một chút nhưng mà an toàn”. 
Trao đổi với PV, Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa cho biết, trước đây, trên địa bàn có 5 cây cầu tạm bắt qua sông Ba, nhưng những năm trở lại đây, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng huyện, các xã cử người ngăn chặn ở 2 đầu cầu nên người dân dần dần không đi nữa. Nên thực tế, hiện chỉ còn cây cầu nối 2 xã Phú Cần và Ia Rmok là đang hoạt động với lượt người đi qua lại lớn do nhu cầu đi lại của người dân lớn.
Tuy nhiên, huyện cũng có nhiều văn bản chỉ đạo 2 xã này, yêu cầu công an xã chốt chặn ở 2 đầu cầu, tuyệt đối không cho người dân đi qua cầu trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu xã gọi các hộ dân quản lý cầu này phải làm cam kết không được cho dân qua lại vào mùa nước lớn…
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.