Chú trọng thực hiện Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đề cập về việc thực hiện xây dựng vị trí việc làm (VTVL) và cơ cấu ngạch công chức theo các quy định, hướng dẫn của Trung ương, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn đồng chí NGUYỄN VĂN QUÂN-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện xây dựng Đề án VTVL trong các cơ quan Đảng, MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.

P.V: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của công tác xây dựng VTVL trong các cơ quan hiện nay?

 
Đồng chí Nguyễn Văn Quân. Ảnh: T.N
Đồng chí Nguyễn Văn Quân. Ảnh: T.N

Đồng chí NGUYỄN VĂN QUÂN: Tháng 9-2016, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 04-HD/BTCTW về xây dựng VTVL và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Việc xây dựng đề án VTVL phải đảm bảo thực hiện chủ trương của Đảng về rà soát, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp, có tính ổn định, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; góp phần làm giảm biên chế một cách hợp lý, là cơ sở để thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm đến năm 2021 tỷ lệ tinh giản tối thiểu là 10% tổng biên chế hưởng lương ngân sách nhà nước. Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức là căn cứ để xác định biên chế, chỉ tiêu thi nâng ngạch, tuyển dụng, bố trí sử dụng, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và đánh giá công chức hằng năm...

P.V: Đồng chí có thể đánh giá kết quả bước đầu thực hiện ở tỉnh ta?

Đồng chí NGUYỄN VĂN QUÂN: Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, Tổ thẩm định; đồng thời tích cực hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng đề án VTVL và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội theo đúng Hướng dẫn của Trung ương, đến nay cơ bản đã thực hiện xong ở cấp huyện và các ban đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh.

Trên cơ sở đề án VTVL do các cơ quan, đơn vị tự xây dựng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đang tiến hành thẩm định danh mục VTVL và cơ cấu ngạch công chức; số lượng người làm việc trong cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội và tổng hợp, xây dựng đề án VTVL của Tỉnh. Quá trình xây dựng đề án VTVL giúp lãnh đạo đơn vị rà soát, đánh giá lại tình hình sử dụng, sắp xếp nhân sự trong cơ quan, đơn vị, có cái nhìn toàn diện về số lượng VTVL, cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan cũng như xây dựng kế hoạch sử dụng cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, nâng cao năng lực, khả năng thực hiện nhiệm vụ...

P.V: Từ thực tế thực hiện, có những mặt khó khăn vướng mắc nào, thưa đồng chí?

Đồng chí NGUYỄN VĂN QUÂN: Việc xây dựng đề án VTVL và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội là một việc làm mới; mẫu biểu, nội dung theo hướng dẫn nhiều và khó thực hiện; một số bước trong quy trình xác định VTVL hướng dẫn chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Hơn nữa, ở một số cơ quan khối Đảng, đoàn thể có đặc thù, khó xác định kết quả (sản phẩm) công việc của từng vị trí công tác, khó xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ phức tạp của công việc; gặp khó khăn trong xác định số lượng biên chế công chức; xây dựng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; tiêu chuẩn đối với các ngạch công chức, viên chức. Về tổ chức, bộ máy, biên chế nhìn chung thực hiện theo Quy định 219-QĐ/TW ngày 27-12-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy, Quy định 282-QĐ/TW ngày 1-4-2015 của Ban Bí thư Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, nên số biên chế trong các cơ quan còn nhiều, phương án sắp xếp lại chưa có sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống.

Bên cạnh đó, Trung ương chưa có văn bản quy định cụ thể số lượng biên chế của 1 phòng và số lượng cấp phó đối với các phòng, ban chuyên môn trực thuộc các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Các đơn vị này đều thành lập đầy đủ các phòng chuyên môn theo các quy định vừa nêu, cho nên khi thực hiện Hướng dẫn về xây dựng đề án VTVL và cơ cấu ngạch công chức trong cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, việc tinh giản biên chế gặp nhiều khó khăn, vì 1 phòng ít nhất cũng phải có 1 trưởng, 1 phó và 1 chuyên viên, dẫn đến khó xác định VTVL hợp lý và tinh giản biên chế.

 

Tập huấn xây dựng vị trí việc làm cho Ban tổ chức các Huyện, Thị ,Thành ủy. Ảnh: T.N (3269)
Tập huấn xây dựng vị trí việc làm cho Ban tổ chức các Huyện, Thị ,Thành ủy. Ảnh: T.N

Việc xác định số lượng người làm việc sau khi đã xác định số lượng VTVL gặp khó khăn trong quá trình triển khai vì việc xác định này phụ thuộc vào phương pháp phân tích công việc kết hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, việc thống kê công việc cá nhân hiện tại còn mang tính khái quát, định tính, thiếu thông tin về thời gian hoàn thành công việc, tổng thời gian thực hiện và quan trọng hơn là bản mô tả, phân tích quy trình giải quyết công việc của từng công chức chưa được cụ thể, đầy đủ. Vì vậy, việc xác định số lượng người làm việc tương ứng với VTVL rất khó khăn, mang tính định tính dẫn đến thiếu tính thuyết phục trong đề xuất số lượng người làm việc tương ứng trong đề án VTVL của cơ quan, đơn vị.

P.V: Đồng chí cho biết những định hướng để tiếp tục thực hiện thời gian tới?

Đồng chí NGUYỄN VĂN QUÂN: Xây dựng đề án VTVL cần phải gắn với thực hiện tinh giản biên chế, là một việc làm có tính chiến lược lâu dài, nhằm xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp, có tính ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chương trình cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước. Phương pháp xác định VTVL là tiếp tục rà soát việc thực hiện 9 bước, từ thu thập thống kê công việc đến thẩm định, hoàn thiện danh mục VTVL, cơ cấu ngạch, số lượng công chức của từng cơ quan, bước nào thực hiện chưa tốt phải điều chỉnh bổ sung, nhất là việc mô tả VTVL. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và thẩm định phải căn cứ Luật cán bộ, công chức, Nghị định 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về VTVL và cơ cấu ngạch công chức, cùng Hướng dẫn 04-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương và các quy định liên quan chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng thời, nắm vững quan điểm trong xây dựng VTVL của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh chế độ công vụ, công chức, tinh giản biên chế, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, công việc thường xuyên và đột xuất của cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy lãnh đạo cơ quan đơn vị cần có quyết tâm chính trị cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện. Sau khi đề án VTVL được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cần có sự thực hiện nghiêm túc, quyết liệt để nguồn nhân lực được điều chỉnh phù hợp với các yêu cầu của VTVL, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong những năm tới...

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thanh Nhật (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.