Sàng lọc để có bộ máy lãnh đạo trong sạch, vững mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một trong những công việc quan trọng của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là xem xét Quy hoạch nhân sự khóa XIII. Với tinh thần tìm cho được những gương mặt xứng đáng nhất vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, việc giới thiệu nhân sự đã được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, dân chủ từ cơ sở. Điều này được kỳ vọng sẽ sàng lọc không để những đối tượng cơ hội chính trị, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lọt vào quy hoạch.
Có một câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Công thương hồi đầu tháng 7 năm nay được nhiều cơ quan báo chí đăng tải là: “Bố trí cán bộ sai thì bộ máy đông mà vẫn hỏng việc”. Dù không nói rõ là cán bộ nào đã bị bố trí sai, cán bộ nào đã làm hỏng việc nhưng ai cũng hiểu người đứng đầu Đảng ta muốn nói điều gì, nhất là tại Bộ Công thương-nơi đã xảy ra quá nhiều chuyện tiêu cực về công tác cán bộ, gắn với những cái tên đầy tai tiếng từng là lãnh đạo cấp cao của bộ này như: Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Hồ Thị Kim Thoa...  
Toàn cảnh phiên họp Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đặt trong bối cảnh chỉ mới nửa nhiệm kỳ XII mà đã có hàng chục cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật Đảng; nhiều tướng lĩnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng của bộ nọ, ngành kia, rồi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị kỷ luật Đảng, bị khởi tố, tạm giam, bị kết án… thì chuyện “lo nhân sự” cho khóa tới hẳn là công việc đáng quan tâm nhất.
Việc quy hoạch, giới thiệu nhân sự nhiệm kỳ XIII được tiến hành kỹ càng từng bước ở cơ sở theo quy trình chặt chẽ với những tiêu chí cụ thể cho mỗi cấp cán bộ. Trong đó, lấy việc coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình, năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, có hoài bão, khát vọng đổi mới vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân làm nguyên tắc cứng cho việc rà soát, chấm điểm cán bộ và cuối cùng là bỏ phiếu kín để giới thiệu nhân sự trên tinh thần giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ trong xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn.
“Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền, tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... không để những “con lươn, con chạch” chui vào bộ máy”-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng lưu ý như vậy khi yêu cầu cần có những giải pháp để chọn đúng, chọn trúng người, ngăn chặn những người không xứng đáng vào Trung ương.
Có thể nói, đến hội nghị này, công tác giới thiệu nhân sự cho khóa mới đã được các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc. Nói như ông Nguyễn Thanh Bình-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương là “về cơ bản, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm kế hoạch 11 của Bộ Chính trị. Kết quả giới thiệu nhân sự cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng chạy quy hoạch hoặc vận động, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết”.
Cùng với việc chuẩn bị chu đáo khâu lấy phiếu, giới thiệu nhân sự mới, Hội nghị Trung ương lần này cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 16 Ủy viên Bộ Chính trị và 5 Ủy viên Ban Bí thư theo một quy trình chặt chẽ. Ai có 50% phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn; từ 2/3 phiếu tín nhiệm thấp trở lên có thể cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi. 
Điều đó cho thấy, cuộc đấu tranh làm trong sạch, vững mạnh bộ máy lãnh đạo luôn được Đảng ta chú trọng. Không chỉ khắt khe với người mới mà Đảng cũng rất khắt khe với người cũ-những người đang ngồi ở những chiếc ghế quyền lực quan trọng trong bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tất cả chỉ vì mục tiêu sàng lọc để Đảng có một bộ máy đủ mạnh, đủ tâm, đủ tầm lãnh đạo đất nước.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.