TP. Hồ Chí Minh: Lần đầu Bệnh viện Thống Nhất ghép thận cho 2 thiếu niên 17 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 23.6, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, bệnh viện đã ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân 17 tuổi, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây cũng là 2 ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Thống Nhất.
Ghép thận cho 2 thiếu niên 17 tuổi
TS-BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu - Bệnh viện Thống Nhất cho biết, hiện bệnh viện có 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, 100 bệnh nhân lọc thận hồi phục. Số còn lại có 10 - 20% bệnh nhân có chỉ định ghép thận để nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Bệnh viện đã đưa ra những tiêu chí ghép thận vừa phù hợp về chuyên môn, vừa mang tính xã hội, kinh tế sau ghép. Sau khi đánh giá thì khoa Nội thận lọc máu trình hội đồng ghép rà soát nhiều tiêu chí người hiến và nhận và lên lịch mổ ghép thận 2 ca đầu tiên”, TS-BS Nguyễn Bách nói

Ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: Bệnh viên cung cấp
Ghép thận tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: Bệnh viên cung cấp
Trường hợp đầu tiên là nam thiếu niên 17 tuổi (ngụ TP.HCM), bị bệnh lý hội chứng thận hư và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bệnh nhân không điều trị nên suy thận và nhập viện Bệnh viện Thống Nhất vào tháng 9.2021. Bệnh nhân được chạy thận 6 tháng. Ngày 10.5.2022, bệnh nhân được ghép thận và 8 ngày sau ra viện, chức năng thận đã trở lại bình thường. Người hiến thận là mẹ ruột của bệnh nhân (47 tuổi).
Trường hợp thứ 2 là nam thiếu niên 17 tuổi (ngụ TP.HCM) bị viêm cầu thận và có thời gian dài chạy thận tại BV Nhi đồng 1 (trong 3 năm). Cuối năm 2021, bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Thống Nhất. Ngày 14.6, bệnh nhân được ghép thận, sau ghép chức năng thận tốt và ngày 24.6 bệnh nhân sẽ xuất viện. Người hiến thận là cha bệnh nhân (51 tuổi).
Theo bác sĩ Nguyễn Bách, ban đầu cả 2 bệnh nhân có nhiều người đăng ký hiến thận là cha, mẹ, dì và bác nhưng chỉ chọn 1 người phù hợp nhất với bệnh nhân.
Mong người dân hiến tạng nhiều hơn
PGS-TS Đỗ Kim Quế, Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết thêm, hiện tại các trung tâm ghép thận phát triển nhưng cũng không đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh. Do vậy, Bệnh viện Thống Nhất quyết tâm lên kế hoạch ghép tạng, ban đầu là ghép thận, tiến đến ghép gan, tim, phổi.
Bệnh viện đặt ra mục tiêu là ghép thận thường quy, ban đầu có sự hỗ trợ từ Bệnh viện Chợ Rẫy (10 ca). Sau 2 ca ghép thận này, bệnh viện sẽ cố gắng mỗi tháng làm 1 ca. “Quan trọng sau khi ghép tạng là theo dõi chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của bệnh nhân được kéo dài”, PGS-TS Đỗ Kim Quế nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất cho biết thêm, sẽ cố gắng đẩy mạnh truyền thông một cách chuyên nghiệp với thân nhân những bệnh nhân qua đời vì lý do gì đó để có nguồn tạng để ghép kéo dài sự sống cho bệnh nhân thận, đặc biệt là bệnh nhân trẻ.
PGS-TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện nay, sự phát triển ghép tạng ở Việt Nam chưa tốt, do nguồn hiến tạng ít. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, sự nhận thức của người dân tốt, khi người thân mất vì lý do nào đó, người ta sẽ hiến tạng. Tại Hàn Quốc, số ca ghép thận mỗi năm bằng số ca ghép thận ở Việt Nam trong 30 năm.
“Làm sao để có thể ghép thận được 30 - 40% từ người chết não hiến. Hiện Việt Nam mới chỉ có 5% ghép thận, có thể đạt được 10% cũng là tốt”, TS-BS Thái Minh Sâm nói.
Cũng theo PGS-TS Thái Minh Sâm, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận khoảng 1.100 ca và đã có 300 trẻ được sinh ra từ những người ghép thận. Trung bình 1 tháng, BV ghép từ 8 - 10 ca. BV cũng ưu tiên ghép cho những ca tuổi còn trẻ.

Thành lập “Mạng lưới quản lý trong tuyển chọn và điều phối thận hiến từ người hiến thận sống, chết não hay ngừng tuần hoàn”

Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng 2 đã xây dựng “Mạng lưới quản lý trong tuyển chọn và điều phối thận hiến từ người hiến thận sống, chết não hay ngừng tuần hoàn”. Ngày 24.6, 3 bệnh viện đã họp công bố hệ thống quản lý phần mềm này.

“Mạng lưới quản lý trong tuyển chọn và điều phối thận hiến từ người hiến thận sống, chết não hay ngừng tuần hoàn” góp phần minh bạch và tạo điều kiện cho hoạt động hiến ghép tạng được thuận lợi cũng như mở rộng các phương thức đăng ký vào danh sách chờ.

Thông qua hệ thống, việc tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn và điều phối mô, tạng hiến tặng này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cộng đồng, cho người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận được các thông tin chính thống trong hiến và ghép mô, tạng từ người hiến chết não, tim ngừng đập. Về mặt quản lý có thể kiểm soát được tính minh bạch và công bằng trong tuyển chọn người tiếp nhận tạng hiến, vô hiệu hóa các hoạt động có tính chất cá nhân và nâng cao chất lượng chuyên môn trong theo dõi, điều trị cho bệnh nhân được ghép thận nói riêng và ghép tạng nói chung.

Theo Duy Tính (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 1 bác sĩ vi phạm trong lĩnh vực y tế

Gia Lai: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 1 bác sĩ vi phạm trong lĩnh vực y tế

(GLO)- Tin từ Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa xử phạt hành chính bác sĩ CKI Lê Văn Phán, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của Phòng khám chuyên khoa Ngoại tại Phòng khám Đa khoa Tây Nguyên (111 đường Trần Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

(GLO)- Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện 705 bệnh nhân lao. Theo đánh giá, số bệnh nhân tiềm ẩn và nguồn lây trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng bệnh nhân kháng thuốc gây khó khăn trong công tác phòng-chống lao.
Công bố quyết định thành lập Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai

Công bố quyết định thành lập Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai

(GLO)- Sáng 23-3, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai và ký kết hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với Bệnh viện tuyến Trung ương. Dự lễ công bố quyết định có ông Đỗ Xuân Tuyên-Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế.