Nâng cao thể trạng người Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu thế kỷ XVII, người Việt được đánh giá là có thể trạng khá tốt so với nhiều dân tộc khác ở châu Á. Minh chứng là trong cuốn sách “Xứ Đàng Trong năm 1621” (Nhà Xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016), nhà truyền giáo, nhà toán học, nhà thiên văn học người Ý Cristophoro Borri đã dành những lời khâm phục khi nói về thể trạng của người Đàng Trong (người Việt-N.V): “… về kích thước thì trung bình, tôi có ý nói, họ không quá lùn như người Nhật, không quá cao như người Tàu. Nhưng về thân hình vạm vỡ thì họ vượt cả hai”.
Vậy thể trạng người Việt sau 4 thế kỷ đang đứng ở đâu so với các dân tộc khác cùng châu lục? Câu trả lời là chúng ta đã kém xa so với người dân các nước châu Á. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện nay là 164 cm, nữ là 153 cm. Trong khi đó, người Nhật-những người mà Cristophoro Borri từng nói là “quá lùn”-giờ đã đạt chiều cao trung bình 172 cm đối với nam thanh niên và 156 cm đối với nữ. Nếu so với người Hàn Quốc (nam thanh niên cao trung bình 174 cm, nữ 161 cm) thì người Việt càng có lý do để “tủi thân”.
Ảnh internet
Ảnh internet
Không chỉ chiều cao mà tố chất thể lực, sức bền của người Việt giờ cũng đang nằm ở mức thấp nhất châu Á. Nguyên nhân dẫn đến điều này thì có nhiều nhưng cơ bản là do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, thiếu hợp lý và quan trọng hơn là người Việt ngày càng lười vận động. Theo một thống kê gần đây, người Việt Nam bị xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ 13,5% dân số tập thể dục nhiều hơn 30 phút/ngày.
Hạn chế về thể trạng kéo theo hệ lụy tất yếu là sự thua kém của người Việt trên nhiều lĩnh vực so với người dân các nước châu Á, dễ thấy nhất là trong thi đấu thể thao, nơi thể hình, thể lực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định thành công. Bên cạnh đó, thể trạng hạn chế cũng khiến người Việt khó có thể làm việc với cường độ cao như đồng nghiệp nhiều nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của người Việt thuộc loại thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, thể trạng hạn chế do thiếu vận động thường xuyên là một phần nguyên nhân (bên cạnh chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, chưa hợp lý; các thói quen sinh hoạt có hại như hút thuốc lá, uống rượu bia…) khiến người Việt dễ mắc bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Không phải đến bây giờ, những hạn chế về thể trạng của người Việt mới được chỉ ra và được quan tâm. Cách đây gần 8 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Một trong những mục tiêu cụ thể mà đề án này đặt ra là đến năm 2020, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam đạt 167 cm, nữ đạt 156 cm; năm 2030, con số này lần lượt là 168,5 cm và 157,5 cm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc thiếu kinh phí, đề án đã không được triển khai hiệu quả theo đúng lộ trình đề ra. Hệ quả là tầm vóc của người Việt vẫn chậm được cải thiện và chắc chắn sẽ không thể đạt mục tiêu đề án đưa ra vào năm 2020. Bởi lẽ, khoảng cách giữa chiều cao trung bình thực tế hiện nay và con số mà đề án đặt ra còn quá xa (3 cm với nam và 2 cm với nữ), trong khi theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, gần 3 thập kỷ qua, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 1 cm/10 năm.
Cũng liên quan đến vấn đề cải thiện, phát triển thể lực, tầm vóc người Việt, ngày 27-2 vừa qua, Bộ Y tế phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam trên cả nước. Một trong 3 mục tiêu chính của chương trình là bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Có thể thấy, đây là chương trình đầy ý nghĩa và mang tính cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng nòi giống, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Bởi như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ phát động: “Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”.
Các đề án, chương trình về phát triển thể lực, tầm vóc, nâng cao sức khỏe người Việt đã được phê duyệt, triển khai. Nhưng để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì điều quan trọng nhất chính là sự nỗ lực, tự giác của mỗi người. “Hãy bắt đầu ngay từ thực hiện, duy trì hành vi, lối sống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, thực hiện đúng lời dặn của bác sĩ; có chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, giảm muối, tăng rau xanh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Điều quan trọng là thường xuyên vận động, rèn luyện thể dục”-Thủ tướng Chính phủ kêu gọi trong lễ phát động chương trình Sức khỏe Việt Nam.
THÙY CHI

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Đông đảo người dân thị xã Ayun Pa tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa tiếp nhận 224 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 12-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Ayun Pa phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.