Gia Lai: Chủ động phòng ngừa bệnh sởi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù đã có vắc xin phòng bệnh nhưng từ năm 2017 đến nay, số lượng trẻ mắc bệnh sởi trong toàn quốc có dấu hiệu gia tăng. Riêng tại Gia Lai, từ đầu năm đến nay ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bệnh sởi.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo Sở Y tế, sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi gây nên. Đối tượng lây của bệnh này là trẻ em. Những biến chứng của bệnh sởi gây nên các dị tật bẩm sinh về tim mạch, đục thủy tinh thể, điếc… thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. 
Từ năm 2014, khi bệnh sởi bùng phát thành dịch ở nhiều địa phương, nước ta đã triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi-rubella cho trẻ em dưới 5 tuổi. Từ khi tiêm vắc xin phòng bệnh đến nay, tỷ lệ trẻ tiêm từ 1 đến 2 mũi vắc xin sởi-rubella toàn quốc đạt từ 90% đến 95%/năm.
Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh sởi có chiều hướng gia tăng. Năm 2017, 45/63 tỉnh, thành của cả nước ghi nhận 436 trường hợp trẻ em bị sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 145 trường hợp trẻ em dương tính với bệnh sởi. Năm 2018, 37/63 tỉnh, thành ghi nhận 954 trường hợp trẻ dương tính với bệnh sởi, có 1 trường hợp tử vong. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi trong toàn quốc gia đăng đột biến. Điều này làm dấy lên những lo ngại về sự bùng phát và lây lan của bệnh trong toàn quốc.
 Tiêm vắc xin cho trẻ giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh. Ảnh: N.T
Tiêm vắc xin cho trẻ giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh. Ảnh: N.T
Tại Gia Lai, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, lũy tích từ năm 2018 đến nay đã ghi nhận 13 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi dương tính với bệnh sởi. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh ta ghi nhận 12 trẻ dương tính với bệnh sởi. Các bệnh nhân này tập trung tại huyện Chư Pah, gồm: 10 trẻ ở xã Hòa Phú, 1 trẻ ở xã Ia Ka và 1 trẻ ở xã Ia Phí. Riêng làng Hreng của xã Hòa Phú có 6 trẻ dương tính với bệnh sởi.
Trường hợp đầu tiên dương tính với bệnh sởi là cháu gái Rơ Châm D.R. (làng Hreng, xã Hòa Phú). Ngày 1-1-2019, cháu Rơ Châm D.R. được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chư Pah với các triệu chứng như nóng, sốt và bị phát ban. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xác định bệnh nhân này dương tính với sởi. “Sau cháu D.R. thì có hơn 10 trẻ nhập viện với các triệu chứng sốt phát ban. Tất cả các cháu là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, tập trung nhiều ở xã Hòa Phú. Chúng tôi đã chữa trị và gửi mẫu bệnh để Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy các trường hợp này dương tính với bệnh sởi. Hiện tại, các cháu đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt”-bác sĩ Nguyễn Trà-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Pah-cho hay. 
Chủ động phòng bệnh
Theo bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh: “Qua giám sát dịch tễ, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân trẻ mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh ta trong 2 năm nay là do chưa tiêm vắc xin sởi-rubella đủ 2 mũi hoặc không tiêm. Như trường hợp của cháu bé bị bệnh sởi trong năm 2018 là vì bị tim nên không tiêm vắc xin được. Nhiều phụ huynh của các cháu mắc sởi tại Chư Pah năm nay cũng cho biết chưa tiêm vắc xin sởi cho con”.
Trước tình trạng bệnh nhân mắc sởi ở tỉnh ta gia tăng đột biến, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các trung tâm y tế đẩy mạnh hoạt động phòng-chống bệnh sởi ở trẻ em. Trong đó, tập trung vào công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, nhất là người dân tộc thiểu số trong việc đưa con đi tiêm chủng để phòng các bệnh. Sở Y tế chỉ đạo 17 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát dịch tễ để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh sởi và nhanh chóng triển khai các hoạt động phòng-chống, không để bùng phát thành ổ dịch; điều tra, lập danh sách đầy đủ số lượng trẻ toàn tỉnh trong diện tiêm vắc xin sởi-rubella; bảo quản tốt nguồn vắc xin được phân phối từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các trung tâm y tế huyện triển khai các hoạt động phòng-chống bệnh sởi; đồng thời, lập danh sách trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella toàn tỉnh trong năm 2019 là hơn 106.000 trường hợp. Thời gian triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella trên địa bàn tỉnh là từ ngày 15-1 đến 28-2-2019. “Trong chiến dịch này, ngành Y tế sẽ tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ em ở 16/17 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, chúng tôi đã tiêm xong cho trẻ ở 3 địa phương là Ayun Pa, Krông Pa và Chư Sê; đang giám sát dịch tễ và cấp vắc xin sởi-rubella để tiêm tại 13 địa phương còn lại của tỉnh. Từ ngày 18-2 sẽ tổ chức tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella tại huyện Chư Pah. Dự kiến sẽ có hơn 7.000 trẻ ở huyện này được tiêm vắc xin trong chiến dịch”-bác sĩ Nguyễn Thị Xuân-Phó Trưởng khoa Phòng-chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-chia sẻ.
Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại thành phố Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời.

Đưa thiết bị thể dục thể thao ngoài trời về làng, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(GLO)- Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại TP. Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời nhằm tạo cho người dân có thêm không gian để rèn luyện sức khỏe, qua đó nâng cao tính gắn kết cộng đồng, xây dựng môi trường sống chan hòa, lành mạnh.