Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau gần 3 năm ngừng hoạt động vì thiếu bác sĩ, cuối năm 2017, Phòng khám nhân đạo TP. Pleiku (số 114 Trần Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) đã hoạt động trở lại. Biết tin này, nhiều người hết sức phấn khởi bởi đây từng là địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy, góp phần san sẻ gánh nặng cho bệnh nhân nghèo. Phòng khám do Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku phối hợp với Hội Đông y thành phố duy trì hoạt động.
  Bác sĩ Tô Văn Dũng thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: N.Y
Bác sĩ Tô Văn Dũng thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: N.Y
Bị thấp khớp, đau lưng, đau đầu và nhiều bệnh vặt khác nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên bà Vũ Thị Thôn (thôn 5, xã Diên Phú, TP. Pleiku) thường xuyên đến Phòng khám nhân đạo TP. Pleiku để khám, điều trị. Qua một tuần châm cứu, mát xa, bấm huyệt và uống thuốc, sức khỏe của bà Thôn được cải thiện. Bà cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Tôi có bảo hiểm y tế nhưng khi đi khám phải chi trả 20%, với người có điều kiện thì cũng chẳng là bao nhưng với tôi là cả một vấn đề. Vậy nên tôi thường đến khám, xin thuốc ở đây. Các bác sĩ khám miễn phí nhưng nhiệt tình, ân cần, chu đáo khiến tôi vô cùng cảm kích”.
Từ cuối năm 2017 đến nay, bà Phạm Thúy Kiều (đường Vạn Kiếp, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) đã nhiều lần đến Phòng khám nhân đạo TP. Pleiku khám-chữa bệnh. Bà bộc bạch: “Nhà tôi tuy không phải hộ nghèo nhưng khó khăn lắm. Chồng bị tai biến 9 năm nay, mới mất. Con cũng bị bệnh bướu cổ phải mổ mà chưa có tiền. Bản thân tôi bị đau thần kinh tọa, tê thấp khớp, không đi lại được nhiều. Do khó khăn nên gia đình vẫn chưa mua được bảo hiểm y tế. Vì vậy, tôi đến khám ở đây. Mọi chi phí khám bệnh và thuốc men hoàn toàn miễn phí nên tôi rất an tâm. Được chữa trị, giờ tôi đã đi lại được. Tôi cảm ơn các bác sĩ vì tấm lòng của họ đối với bệnh nhân khó khăn”-bà Kiều bộc bạch.

Bà Trần Thị Túy Uyển-Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất của phòng khám vẫn là kinh phí hoạt động. Rất mong thời gian tới sẽ có thêm sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để Phòng khám nhân đạo TP. Pleiku hoạt động ổn định, hiệu quả, góp phần khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nghèo trên địa bàn”.

Thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2008 nhưng đến năm 2015, Phòng khám nhân đạo TP. Pleiku buộc phải ngừng hoạt động vì thiếu bác sĩ. Biết tin này, nhiều bệnh nhân nghèo rất buồn. Bà Trần Thị Túy Uyển-Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku-cho biết: Dù biết nhu cầu khám-chữa bệnh của bệnh nhân nghèo là rất cao nhưng vì thiếu bác sĩ nên cơ sở buộc phải ngừng hoạt động. Sau đó, Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku đã vận động, thuyết phục bác sĩ về đây công tác và đến cuối năm 2017 thì phòng khám hoạt động trở lại. Đối tượng bệnh nhân được khám và cấp thuốc miễn phí là người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo bà Uyển, phòng khám hiện có 1 bác sĩ vật lý trị liệu và 1 y sĩ Đông y, chủ yếu điều trị chuyên về Đông y, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Nhân viên được Nhà nước chi trả lương theo quy định chứ không có phụ cấp; kinh phí hoạt động chủ yếu do các Mạnh Thường Quân hỗ trợ.
Từng công tác tại Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh với mức lương ổn định, điều kiện làm việc tốt nhưng với mong muốn giúp bệnh nhân nghèo, bác sĩ vật lý trị liệu Tô Văn Dũng đã đồng ý chuyển về làm việc tại Phòng khám nhân đạo TP. Pleiku. Bác sĩ Dũng cho biết: “Trung bình mỗi ngày, phòng khám đón tiếp khoảng 10 lượt bệnh nhân. Tất cả đều là bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Dù lương thấp, không có phụ cấp nhưng tôi vẫn hài lòng với công việc hiện tại vì ý nghĩa thiết thực mà nó mang lại. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó với phòng khám nhân đạo này để phục vụ bệnh nhân nghèo, giúp họ có thêm điều kiện khám-chữa bệnh”.
Khi biết phòng khám phải ngừng hoạt động do thiếu nhân lực, y sĩ Đông y Bùi Thị Thu Lệ đã tự nguyện chuyển về đây đảm nhận vai trò Trưởng phòng khám dù thu nhập giảm gần phân nửa so với lúc công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku. Y sĩ Lệ chia sẻ: “Bệnh nhân đến khám nhiều người bị tai biến lâu năm, chữa nhiều nơi, tiền bạc kiệt quệ nên việc chữa trị bị gián đoạn. Nhiều người không thuộc diện được cấp thuốc nhưng thấy hoàn cảnh họ quá khó khăn nên chúng tôi cũng bỏ tiền túi ra mua thuốc giúp”.
Như Ý

Có thể bạn quan tâm

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Bệnh gì nên hạn chế uống cà phê?

Nhiều người thường bắt đầu ngày mới với tách cà phê. Thói quen này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cà phê có thể tương tác với một số loại thuốc.
Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Nhiều tác dụng của lá đu đủ

Lá đu đủ chứa các hợp chất thực vật đã được chứng minh là có tiềm năng dược lý rộng rãi. Nhiều chế phẩm từ lá đu đủ, như trà, chiết xuất, viên nén..., thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe theo nhiều cách.
Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.