Đức Cơ: Tích cực phòng-chống dịch bệnh trong mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời tiết trên địa bàn diễn biến phức tạp là nguy cơ phát sinh nhiều dịch bệnh trên người trong thời gian tới. Vì vậy, ngành Y tế huyện Đức Cơ đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống dịch bệnh.

Bác sĩ Trần Quang Chỉ-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: Năm 2018, mục tiêu mà ngành Y tế huyện đặt ra trong công tác phòng-chống dịch là giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm, giảm đến mức thấp nhất số ca tử vong và không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn.

 

Khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ.                Ảnh: N.N
Khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ. Ảnh: N.N

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ, năm 2017, những bệnh như: sốt xuất huyết (SXH), tiêu chảy, quai bị, thủy đậu, tay chân miệng… ghi nhận nhiều nhưng năm nay chưa thấy dấu hiệu bất thường. Thời điểm này chỉ ghi nhận vài ca mắc SXH, thủy đậu, quai bị; không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. “Hiện đang bước vào mùa mưa, một số bệnh có điều kiện thuận lợi phát sinh và gia tăng, nhất là sốt rét, SXH, các bệnh liên quan đến đường ruột, tiêu hóa…  Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức phối hợp cùng ngành Y tế địa phương trong phòng-chống dịch bệnh”-bác sĩ Chỉ nhấn mạnh.

Đối với bệnh SXH, năm 2017, toàn huyện ghi nhận 233 ca mắc, không có trường hợp tử vong. Bệnh rải rác quanh năm và nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 10. Y sĩ Võ Thị Huệ-chuyên trách về chương trình SXH của Trung tâm Y tế huyện, cho biết: Nếu 5 tháng đầu năm 2017 ghi nhận 53 ca thì cùng kỳ năm nay chỉ ghi nhận 2 ca. Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm đã tổ chức xác minh và nhanh chóng xử lý theo đúng quy định. 3 tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện không ghi nhận thêm ca bệnh SXH nào. Tuy nhiên, SXH là bệnh xảy ra thường xuyên trong năm và rất dễ bùng phát nên công tác phòng-chống bệnh luôn được theo dõi, triển khai thường xuyên.

Bác sĩ Trần Quang Chỉ cho biết thêm: Về công tác tổ chức, ngành Y tế chủ động củng cố đội cơ động phòng-chống dịch trên cơ sở của đội cơ động phòng-chống cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, dịch bệnh do vi rút Zika để sẵn sàng điều tra và xử lý dịch bệnh ngay từ những ca đầu tiên; phối hợp chặt chẽ với bệnh viện, phòng khám giám sát phát hiện bệnh và xử lý kịp thời; kết hợp giữa cơ quan y tế và cơ quan thú y để trao đổi thông tin về tình hình bệnh cúm gia cầm, phối hợp xử lý triệt để không để lây sang người.

Ngoài ra, ngành Y tế huyện tăng cường hệ thống báo cáo dịch đến cấp xã; tuân thủ chế độ báo cáo ngày, tuần, tháng đối với 28 bệnh truyền nhiễm, cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 và những dịch bệnh mới phát sinh theo quy định; phát hiện, báo cáo sớm ca bệnh đầu tiên cho tuyến trên và phản hồi cho trạm y tế xã để xác định ca bệnh, khoanh vùng. Đối với các ổ bệnh cũ, ngành Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình. Bên cạnh đó, ngành chủ động sẵn sàng cơ số thuốc và hóa chất cần thiết cho việc xử lý dập dịch, không để lây lan trên diện rộng; chú trọng công tác truyền thông phòng-chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức.

Bên cạnh công tác dự phòng, công tác thu dung, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện cũng được tập trung, hướng đến sự hài lòng của người bệnh, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận và điều trị nội trú trên 3.200 lượt bệnh nhân; thực hiện khám cho gần 20.000 lượt người, trong đó trên 16.000 lượt khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn (Khoa Nội-Nhi-Nhiễm) cho biết: Hiện tại, các bệnh phổ biến là tiêu chảy, viêm phế quản, cơ-xương-khớp, các bệnh mạn tính và có  vài ca bệnh thủy đậu nhập viện điều trị. Các bác sĩ đã xác minh ổ bệnh thủy đậu và báo cáo về Trung tâm Y tế huyện để khoanh vùng, xử lý theo quy định.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ, khó khăn hiện nay trong công tác phòng-chống dịch là các ban, ngành, đoàn thể, người dân có tâm lý “khoán trắng” cho ngành Y tế nên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, kinh phí còn hạn chế nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, bất cập. Thời gian tới, ngành Y tế huyện rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn và đặc biệt là người dân để công tác phòng-chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại thành phố Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời.

Đưa thiết bị thể dục thể thao ngoài trời về làng, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(GLO)- Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, một số xã tại TP. Pleiku đã lắp đặt các cụm dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời nhằm tạo cho người dân có thêm không gian để rèn luyện sức khỏe, qua đó nâng cao tính gắn kết cộng đồng, xây dựng môi trường sống chan hòa, lành mạnh.
Đông đảo người dân thị xã Ayun Pa tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa tiếp nhận 224 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 12-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thị xã Ayun Pa phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tổ chức lễ phát động hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.