​Vài điều cần biết về ngộ độc cá nóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vấn đề ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc cá nóc gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, là vấn đề mà cả xã hội đều quan tâm đến trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

 



Cá nóc (có nơi gọi là cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà), trên thế giới bộ cá nóc Tetraodontiformaes có 9 họ, bao gồm trên 400 loài thuộc 13 giống. Trong đó có 243 loài thuộc 4 họ chiếm ưu thế là Ostraciidae, Triodontidae, Tetraodontidae và Diodontidae. Ở Việt Nam đã thống kê được hơn 60 loài cá nóc, trong đó có khoảng 30 loài là cá độc. Độc tố cá nóc rất độc, với người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2 mg độc tố có thể gây chết người.

Cá nóc phân bố chủ yếu ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới, ở nước mặn nhiều hơn nước ngọt. Loại cá nóc độc người dân thường ăn có thân 4 - 40 cm, chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt là vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7).

Chất độc của cá nóc gọi là tetrodotoxin (TTX) C11H17O8N3 là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1000 lần so với Cyanua. Bình thường nó tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố Tetrodomin không độc; nhưng khi cá bị ươn hoặc bị va đập, tiền chất Tetrodomin sẽ biến đổi thành chất TTX gây độc. Tetrodotoxin không phải là protein, tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại (có thể bị phân hủy trong môi trường kiềm hay acid mạnh). Khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 giờ độc tố TTX mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi khi được đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút. Vì thế, không thể làm mất độc cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thuờng.

Biểu hiện khi ngộ độc cá nóc

Sau khi ăn cá nóc có TTX, chất độc này hấp thụ nhanh qua đường ruột, dạ dày trong 5 - 15 phút. Đỉnh cao TTX trong máu là 20 phút và thải tiết qua nước tiểu sau 30 phút tới 3 - 4 giờ.

Người ăn phải cá nóc có độc tố TTX, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ủng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu.

Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm. Nguyên nhân tử vong do ngộ độc cá nóc là: liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp.

Cách xử lý ngộ độc cá nóc

Ngay khi thấy dấu hiệu ngộ độc đầu tiên như tê lưỡi, tê môi, tê ngón tay nhưng người bệnh vẫn còn tỉnh táo, hãy tìm mọi cách gây nôn cho người bệnh. Đơn giản nhất là hình thức móc họng, ngoáy họng bằng lông gà hoặc cho uống mùn thớt theo kinh nghiệm dân gian. Khi gây nôn cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, đầu thấp để tránh sặc.

Cho bệnh nhân uống than hoạt khi bệnh nhân còn tỉnh, chưa hôn mê. Người lớn uống 30g than hoạt pha với 250ml nước sạch quấy đều. Trẻ nhỏ từ 1 - 12 tuổi cho uống 25g pha với 100 - 200ml nước sạch quấy đều. Trẻ nhỏ dưới một năm cho uống theo liều lượng 1g than hoạt/1kg cân nặng cơ thể pha với 50ml nước sạch quấy đều. Than hoạt có tác dụng hấp thụ chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa. Nếu cho bệnh nhân uống sớm trong vòng một giờ sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả cao.

Trường hợp người bệnh đã rối loạn ý thức, hôn mê, thở yếu hoặc ngừng thở phải khẩn trương thổi ngạt đường miệng - miệng hay miệng - mũi.

Sau khi đã sơ cứu, cần nhanh chóng tìm cách đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Phòng tránh ngộ độc cá nóc

Đến nay, ngô độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người bị ngộ độc cá nóc bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng. Vì vậy, để phòng tránh ngộ độc cá nóc, biện pháp hữu hiệu nhất là không ăn bất cứ thực phẩm nào được chế biến từ cá nóc.

- Loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá.

- Loại bỏ cá nóc lẫn cá thường khi phơi khô.

- Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm các nóc khác để bán.

- Không ăn cá nóc tươi và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.

Để đề phòng ngộ độc cá nóc, cách tốt nhất là hãy “nói không với cá nóc”.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe
Thừa Thiên - Huế

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

Gia Lai: Tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lao

(GLO)- Năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện 705 bệnh nhân lao. Theo đánh giá, số bệnh nhân tiềm ẩn và nguồn lây trong cộng đồng vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, tình trạng gia tăng bệnh nhân kháng thuốc gây khó khăn trong công tác phòng-chống lao.
Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Công bố quyết định thành lập Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai

Công bố quyết định thành lập Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai

(GLO)- Sáng 23-3, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai và ký kết hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với Bệnh viện tuyến Trung ương. Dự lễ công bố quyết định có ông Đỗ Xuân Tuyên-Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế.