Triển lãm di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống: Cơ hội quảng bá du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 17 đến 24-12, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tập trung chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để tham gia Triển lãm “Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và sản phẩm thủ công truyền thống” tại tỉnh Ninh Bình. Đây là nỗ lực quảng bá tiềm năng từ di sản và danh thắng của tỉnh nhà, đẩy mạnh xúc tiến du lịch trong điều kiện dịch Covid-19 hạn chế hoạt động xê dịch.
Là hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2021, triển lãm do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn. Theo đó, triển lãm trưng bày 350 bức ảnh đẹp về di sản Việt Nam được UNESCO vinh danh, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, di sản tư liệu như: Khu di tích Mỹ Sơn, quần thể danh thắng Tràng An, Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, mộc bản triều Nguyễn, bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc, châu bản triều Nguyễn, mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, những hình ảnh về lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa đặc trưng các vùng miền trên cả nước. Bên cạnh đó là 70 bức ảnh chủ đề “Di sản quanh ta” với hình ảnh ruộng bậc thang Tây Bắc, trang phục truyền thống, nghệ nhân dân gian…
Triển lãm cũng giới thiệu 200 sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề truyền thống như: gốm Phù Điêu, chạm bạc Định Công, lụa Vạn Phúc, thêu truyền thống Đông Cứu Thường Tín, mây tre đan Phú Vinh, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, gốm sứ Bát Tràng, nón làng Chuông, gốm Chu Đậu-Hải Dương, cạm bạc Đồng Xâm-Thái Bình, hoa giấy Thanh Tiên; giới thiệu văn hóa, con người, lịch sử, làng nghề các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Lạng Sơn, Gia Lai, Bạc Liêu, Thanh Hóa… 
Một tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tại triển lãm. Ảnh: Hương Thảo
Một tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tại triển lãm. Ảnh: Hương Thảo
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Long-Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-cho biết: Từ ngày 22 đến 27-11, đơn vị đã tham gia Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội. Triển lãm lần này có nhiều điểm khác biệt khi nghiêng về quảng bá các nghề thủ công truyền thống và danh thắng. Cụ thể, tại đây, Gia Lai tham gia trưng bày bản sắc văn hóa thông qua các mô hình: cổng nhà rông, cây nêu, không gian bếp lửa của người Jrai; các nhạc cụ dân tộc truyền thống; không gian thổ cẩm, đan lát, tạc tượng… Cùng với đó là giới thiệu phim du lịch, trưng bày 20 ảnh đẹp quảng bá các danh thắng: Biển Hồ; cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; hệ thống thác nước hùng vĩ, đầy sức thu hút, mời gọi... Gian hàng của tỉnh cũng giới thiệu Code mã QR truy cập trang web “dulichpleiku.gialai.gov.vn” để Ban tổ chức và du khách tham quan có thể truy cập, tìm hiểu về du lịch Gia Lai. Đây cũng là nơi Gia Lai đưa các đặc sản địa phương, các sản phẩm du lịch đến gần hơn với du khách cả nước thông qua những mô hình nhạc cụ truyền thống, các loại đặc sản, nông sản đặc trưng địa phương như: hồ tiêu, măng, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều rang muối, cà phê, muối lá é và một số sản phẩm OCOP tiêu biểu…
Một du khách trải nghiệm không gian bếp lửa Jrai tại gian hàng của tỉnh Gia Lai (ảnh Hương Thảo)
Một du khách trải nghiệm không gian bếp lửa Jrai tại gian hàng của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hương Thảo
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lượt khách tham quan gian hàng của tỉnh chỉ khoảng 700 lượt. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là cơ hội quảng bá, xúc tiến du lịch hiếm có. Chị Nguyễn Thị Nhàn-du khách đến từ tỉnh Phú Thọ-trầm trồ: “Tôi rất ấn tượng với cách trang trí không gian triển lãm của tỉnh Gia Lai, qua đó, làm toát lên bản sắc văn hóa riêng, độc đáo. Chúng tôi sẽ đến Gia Lai để được trải nghiệm và đắm mình trong không gian di sản văn hóa cũng như các danh thắng. Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi được mường tượng, thưởng thức và háo hức chờ đợi để được về với vùng đất cao nguyên này”.  
Trong khuôn khổ triển lãm còn có các chương trình giao lưu văn hóa-nghệ thuật diễn ra hàng ngày, giới thiệu nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: hát xẩm, ca trù, chầu văn, quan họ, hát then, hát xoan, diễn trò Xuân Phả, hát bài chòi, đờn ca tài tử, cồng chiêng Tây Nguyên, biểu diễn nhạc cụ dân tộc… Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tham gia 5 tiết mục nghệ thuật dân gian với các hình thức dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc đặc sắc gồm: múa “Dâng rượu”, hòa tấu “Ngày trở về”, Ju tam tơh jơng tam ngơt, Rơ Ngot, hòa tấu “Làng ta tươi đẹp”. Đây là những bài dân ca Bahnar, Jrai được sưu tầm, phát triển thành các tiết mục đậm chất nghệ thuật, thu hút sự chú ý, tham gia, trải nghiệm của du khách đến với triển lãm. “Hy vọng thông qua triển lãm lần này, ngày càng có nhiều du khách biết đến và chọn Gia Lai làm điểm đến trong thời gian tới”-ông Long chia sẻ. 
LAM NGUYÊN - HƯƠNG THẢO

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.