Du lịch trải nghiệm trực tuyến - hướng đi mới cho du lịch Hà Giang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hà Giang đã tổ chức thành công tour du lịch online thu hút đông đảo người theo dõi. Hình thức này như ngọn lửa “giữ ấm” cho hoạt động du lịch gần như bị “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ruộng lúa bậc thang ở xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN
Ruộng lúa bậc thang ở xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN
Trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, để giữ vững vị trí là điểm đến du lịch hấp dẫn trong bối cảnh thích ứng an toàn mới, ngành du lịch Hà Giang tận dụng nền tảng số để triển khai, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong năm lượng du khách đến Hà Giang giảm gần 50% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 ước đạt 900.000 lượt khách).
Để quảng bá du lịch, lần đầu tiên tỉnh tổ chức Chương trình giới thiệu Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ 7 bằng hình thức trực tuyến trên một số kênh truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh đã tổ chức thành công tour du lịch online - du lịch trực tuyến, thu hút đông đảo người theo dõi. Hình thức này như ngọn lửa “giữ ấm” cho hoạt động du lịch gần như bị “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Đặng Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết tận dụng nền tảng số, từ đầu năm, ngoài việc sưu tầm ảnh đẹp, các clip quảng bá về vùng đất và con người Hà Giang trên các trang thông tin, gần đây Trung tâm đã triển khai tour online khám phá, trải nghiệm bằng các chương trình du lịch trực tuyến.
Ngày 28/11, tour online “Mùa hoa tam giác mạch trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn” đã thu hút đông đảo người theo dõi; trong đó có 100 công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch tham gia và đánh giá cao chương trình này.
Chương trình thành công đã mở ra một hướng mới, vừa quảng bá hình ảnh du lịch Hà Giang, giúp du khách được trải nghiệm trong bối cảnh dịch COVID-19, vừa giúp các công ty lữ hành xây dựng tour, tuyến và giới thiệu cho du khách.
Trong tháng 12/2021, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh tiếp tục tổ chức tour online khám phá, trải nghiệm về sản phẩm du lịch nông nghiệp, nhà vườn; tour online khám phá trải nghiệm ẩm thực, làng nghề thổ cẩm truyền thống...
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, đánh giá trước bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Hà Giang là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng nền tảng số trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt tour online, thể hiện sự linh hoạt, thích ứng trong tình hình mới.
“Tour online không những quảng bá sản phẩm du lịch của Hà Giang, mà còn là hướng đi phù hợp để các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hình thức tổ chức tour này cần được phát huy và nhân rộng ra các điểm du lịch khác trong cả nước,” ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch và cá nhân những người làm du lịch của Hà Giang đã triển khai hình thức tour online.

Những bé gái dân tộc thiểu số đứng giữa cánh đồng hoa như một điểm nhấn thú vị mỗi khi du khách ghé tham quan, chụp ảnh với tam giác mạch. Ảnh: PV/Vietnam+
Những bé gái dân tộc thiểu số đứng giữa cánh đồng hoa như một điểm nhấn thú vị mỗi khi du khách ghé tham quan, chụp ảnh với tam giác mạch. Ảnh: PV/Vietnam+
Cơ sở kinh doanh du lịch Homestay Skyview Khánh Đinh ở thôn Suối Thầu 2, xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đã liên tục quay clip giới thiệu hình ảnh, cảnh quan thiên nhiên và cơ sở lưu trú của mình đưa lên các trang mạng xã hội. Nhiều du khách đã biết đến cơ sở và hẹn khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt sẽ đến để trải nghiệm.
Anh Hồ Trọng Tiến là một hướng dẫn viên du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh bị mắc kẹt ở phía Bắc bởi dịch COVID-19. Để tiếp tục công việc của mình, anh Tiến đã mở kênh YouTube phát trực tiếp các danh thắng, điểm du lịch tại Hà Giang tới du khách trong và ngoài nước. Theo anh Tiến, tour du lịch online của anh đã thu hút rất nhiều khách quốc tế, đặc biệt là du khách Nhật.
Lợi thế của du lịch online rất lớn. Người tham gia được tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm nhiều địa danh, nhiều tour tuyến, điểm đến với chi phí thấp.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, nhiều khu vực trên thế giới đi lại rất khó khăn, việc tham gia tour online giúp người dân được giải trí, thư giãn, tìm hiểu và khám phá các địa danh, nền văn hóa, đời sống con người ở các quốc gia khác nhau.
Đối với ngành du lịch Hà Giang, du lịch online và quảng bá du lịch trên nền tảng số là một trong những trọng tâm thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Việc tổ chức thành công chương trình truyền thông quảng bá, giới thiệu danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; chương trình giới thiệu Lễ hội hoa tam giác mạch; tour online “Mùa hoa tam giác mạch trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn”; tour online “Khám phá trải nghiệm về sản phẩm du lịch nông nghiệp, nhà vườn”; tour online “Khám phá trải nghiệm du lịch online trực tuyến sản phẩm ẩm thực, làng nghề thổ cẩm truyền thống”… là minh chứng cụ thể cho thấy việc tận dụng nền tảng số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong giai đoạn hiện nay là một xu thế.
Nguyễn Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.