Có một Himalayas giữa lòng Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hẹn cà phê với một nhân vật ở Sài Gòn, cô ấy nhắn cho tôi địa chỉ bắt đầu bằng cái tên Om Himalayas. Đến nơi mới thấy ngỡ ngàng bởi hóa ra đó là một không gian văn hóa Tây Tạng kỳ bí đúng nghĩa được người ta mang về thu nhỏ ngay giữa lòng thành phố sôi động nhất nước mình.

 Một góc không gian văn hóa Tạng ở Sài Gòn. Ảnh: H.V.M
Một góc không gian văn hóa Tạng ở Sài Gòn. Ảnh: H.V.M



Thần linh ơi! Tôi ngạc nhiên không thốt nên lời khi vừa mở cửa Om Himalayas, đập vào mắt là một cái đầu trâu yak (bò Tây Tạng) rất đẹp được treo ở trên tường nhà.

Trâu yak - linh vật huyền thoại đầy ám ảnh của người Tây Tạng, xem ảnh thì nhiều nhưng có thể sờ mó được ngay ở Sài Gòn thì điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

 

 Đầu trâu Yak. Ảnh: H.V.M
Đầu trâu Yak. Ảnh: H.V.M



“Lần đầu tiên thấy nó tôi mê mẩn đến mức quyết mua bằng được dù không biết có mang về Việt Nam được hay không và sau đó đúng là không mang về được thật vì kẹt lại ở sân bay.

Phải đến lần thứ hai với rất nhiều thủ tục nhiêu khê nó mới về được đến đây”, Nguyễn Mạnh Duy - chủ nhân của Om Himalayas bắt đầu bằng câu chuyện của một đồng nhưng công một nén.

“Có những sản phẩm ở đây giá mua bên đó chỉ 1 đồng nhưng mang về đến đây thì đội lên thành 3 đồng vì phải mất rất nhiều mồ hôi, công sức và tiền bạc. Vậy nên ở đây có nhiều cái như đầu trâu yak, tôi chỉ chưng chứ không bán cho ai với bất cứ giá nào”.


 

 Tranh thangka, họa phẩm đặc dụng của Phật giáo Kim Cang Thừa. Ảnh: H.V.M
Tranh thangka, họa phẩm đặc dụng của Phật giáo Kim Cang Thừa. Ảnh: H.V.M


Tất nhiên ở Om Himalayas không chỉ có mỗi đầu trâu yak. Nếu bạn thích những bức tranh Thangka - họa phẩm đặc dụng của Phật giáo Kim Cương Thừa (Mật Tông) được thêu hoặc vẽ bằng tay (đôi khi có cả sự trì chú của các bậc đại sư) thì ở đây nhiều không đếm hết.

Còn nữa những tượng Phật, đồ pháp khí, hàng lưu niệm, đồ nội thất và kinh sách, văn hóa phẩm... Hầu hết là hàng thủ công chất lượng cao, vừa có tính thiền vừa có sự cuốn hút về thẩm mỹ và tâm linh. Cảm giác như cả một vùng Himalayas huyền bí, rộng sâu không thể đong đếm hết được dồn nén vào trong một không gian chỉ hơn 30 mét vuông này.


 

 Tượng Phật đặc trưng của Phật giáo Kim Cang Thừa. Ảnh: H.V.M
Tượng Phật đặc trưng của Phật giáo Kim Cang Thừa. Ảnh: H.V.M



 “Phải đi Tây Tạng, đi Himalayas bao nhiêu lần thì mới chạm hết vào những phẩm vật này?” - nhân vật của tôi xuýt xoa đặt câu hỏi.

“Chúng tôi hiện có 8 dòng và mỗi dòng có từ 30 - 100 đầu sản phẩm và được cập nhật, bổ sung thường xuyên với tỷ lệ 70% liên quan đến tâm linh và 30% liên quan đến văn hóa”.

Nguyễn Mạnh Duy khẳng định “chúng tôi không nặng về bán hàng mà mong muốn mang đến một không gian nhằm kết nối và gieo duyên để nhiều người Việt Nam biết hơn về Phật giáo Mật tông Tây Tạng vốn đang xa lạ với số đông.


 

Những bức Thangka được thêu và vẽ bằng tay. Ảnh: H.V.M
Những bức Thangka được thêu và vẽ bằng tay. Ảnh: H.V.M



Những người đã từng đến Tây Tạng và đã yêu vùng đất nóc nhà thế giới này thì sẽ có điều kiện tìm thấy những hình ảnh Tây Tạng ngay tại Việt Nam mình.

Chúng tôi muốn thông qua mô hình không gian văn hóa mang tinh thần Tây Tạng như thế này để kể và truyền thông điệp về một cuộc sống an lạc, thuần khiết dưới chân các ngọn núi tuyết”.

 

Hoàng Văn Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.